Dân Việt

Núi rừng kể chuyện

08/04/2012 06:31 GMT+7
(Dân Việt) - Tác giả là những người Pa Kô, Vân Kiều, Khmer, Mông, Dao, Mường, Thái ở các tỉnh Sóc Trăng, Quảng Trị, Thanh Hóa, Lào Cai, Yên Bái kể với mọi người những câu chuyện của bản làng, núi rừng.

Gần 200 bức ảnh chân thật như "củ khoai, củ sắn" mà cực kỳ sinh động và đầy cảm xúc của những nhà nhiếp ảnh nghiệp dư sẽ đến với mọi người trong cuộc triển lãm ảnh bên hồ Hoàn Kiếm (Hà Nội) ngày 19.4 nhân Ngày văn hóa các Dân tộc.

Tác giả là những người Pa Kô, Vân Kiều, Khmer, Mông, Dao, Mường, Thái ở các tỉnh Sóc Trăng, Quảng Trị, Thanh Hóa, Lào Cai, Yên Bái kể với mọi người những câu chuyện của bản làng, núi rừng.

Những bức ảnh của người trong cuộc, tự khám phá mình với lòng tự hào về văn hóa dân tộc. Chương trình được thực hiện do các nhóm chuyên gia Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (ISEE) cung cấp máy ảnh và hướng dẫn người dân thực hiện từ cuối năm 2011.

NTNN xin giới thiệu với bạn đọc chùm ảnh do nhóm tác giả người Pa Kô ở xã Tà Rụt huyên Đăkrông tỉnh Quảng Trị thực hiện trong chương trình này. Những khoảnh khắc hé mở cho người xem về kho tàng văn hóa phi vật thể khổng lồ của cộng đồng Pa Kô sống trên đỉnh Trường Sơn.

img
Ông Vỗ Hương là người xem chân gà rất giỏi ở làng Ka Lao. Người Pa Kô coi việc xem bói chân gà là một việc không thể thiếu khi chuẩn bị làm những việc quan trọng của gia đình cũng như cộng đồng.
img
Hàm răng đen nhưng nhức như hạt dưa hấu là niềm tự hào của người Pa Kô. Để có được nó mỗi tối bà Kăn Phen (80 tuổi), thôn Tà Rụt 3 phải đốt cây tinuh, lấy nhựa cà răng. Nhựa cây tinuh giúp răng chắc, không sâu.
img
Ông thầy cúng Kon Nam (58 tuổi) ở thôn Par Lin, xã A Vao, đang thực hiện một nghi lễ dâng của cải của bà Giã Khưm (62 tuổi), ở thôn A Liêng cho thần Luông, là vị thần cao nhất của hồn sống trong quan niệm của người Pa Kô.
img
Đi Sim. Người con trai thuyết phục cô gái bằng tài nói chuyện, đặc biệt bằng tiếng sáo rồi hẹn ước, trao tín vật để đi tới hôn nhân.
img
Bà Kăn Ki (50 tuổi), thôn A Đăng đang "thổi" chữa bệnh cho cháu Hồ Thiên Bảo (3 tuổi), cháu bị ngã chệch khớp tay. Bà Kăn Ki "thổi" bằng lá cây atuôn và câu khấn câu kul.
img
Anh Hồ Văn Đàm (48 tuổi) thôn A Liêng, làm nghề chạy xe ôm, anh Đàm cúng cho "chiếc xe được sạch sẽ, không gây tai nạn mỗi khi đi chở khách".