Dân Việt

Nhà ở xã hội: Doanh nghiệp mới là “thượng đế”

16/12/2010 08:49 GMT+7
(Dân Việt) - Những căn nhà ở xã hội cho người nghèo đô thị đầu tiên đã có chủ. Trong niềm vui có nhà mới, không ít người đang chạy vạy để trả khoản tiền mua nhà khổng lồ này.
img
 

Đi vay hơn một nửa căn nhà

Dự án Nhà ở xã hội (NXH) đầu tiên của cả nước được bán là 382 căn hộ thuộc chung cư Ngô Thì Nhậm (Hà Đông, Hà Nội). Với mức giá 8,8 triệu đồng/m2, những căn nhà thu nhập thấp này có giá 600 - 700 triệu đồng.

Mức giá này là trong mơ với người mua trong bối cảnh bất động sản ở Hà Nội đang bị đẩy giá quá cao như hiện nay. Tuy nhiên, mức giá này không thể nói là rẻ so với các nhà ở thương mại cùng chất lượng xây dựng ở các địa phương khác và quá lớn so với túi tiền đối với những người thu nhập thấp.

Ông Lê Hồng Sâm (ở quận Hà Đông), một thương binh may mắn được mua nhà ở đây cho biết: Gia đình có khoảng 300 triệu đồng và đang phải tìm cách vay ngân hàng số tiền 400 triệu đồng để nộp tiền mua nhà.

"Bất cứ giá nào cũng phải vay mượn rồi trả dần để mua nhà vì cơ hội như vậy là rất hiếm hoi" - ông Sâm nói. Tuy nhiên, với thu nhập hàng tháng của hai vợ chồng chỉ khoảng 6 triệu đồng/tháng và phải nuôi 2 con nhỏ thì việc trả số 400 triệu đồng và cả lãi là khó khăn lớn và kéo dài ít nhất 20 năm.

Theo Nghị quyết của Chính phủ về phát triển NXH (ban hành tháng 4 - 2009), giá bán nhà ở thu nhập thấp do chủ đầu tư đưa ra theo nguyên tắc tính đủ chi phí đầu tư (kể cả lãi vay ngân hàng, nếu có), không được tính các ưu đãi của nhà nước vào giá bán và được cộng thêm tối đa 10% lãi định mức trên chi phí đầu tư.

Các ưu đãi chính mà chủ đầu tư các dự án nhà ở thu nhập thấp được hưởng là: Miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất trong phạm vi dự án; được áp dụng thuế suất ưu đãi thuế giá trị gia tăng ở mức cao nhất...

Vào thời điểm năm 2009, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam đã nói, giá của nhà thu nhập thấp chỉ dao động khoảng 5-7 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, việc miễn các khoản thuế trên đã không được Quốc hội thông qua vì lo ngại việc hỗ trợ qua doanh nghiệp sẽ không đến đúng đối tượng.

Dân chạy vạy vay tiền

Trả lời NTNN, ông Vũ Ngọc Đạm - Trưởng phòng Phát triển nhà - Sở Xây dựng Hà Nội cho biết: Việc doanh nghiệp "bán đứt" nhà không có quy định nào cấm.

Để triển khai, không thể dùng các biện pháp hành chính ép doanh nghiệp triển khai hình thức trả góp, cho thuê, mà cần có một chính sách tổng thể, toàn diện hơn, trong đó quan trọng là kéo các ngân hàng, tổ chức tín dụng tham gia vào các dự án NXH này.

Ông Đặng Hoàng Huy - Tổng Giám đốc Vinaconex Xuân Mai cho phóng viên NTNN biết: Giá nhà được đưa ra có tính cả các khoản thuế mà không được ưu đãi chứ không như nghị định của Chính phủ và thông tư hướng dẫn của Bộ Xây dựng.

Vì vậy, giá bán nhà tăng từ 6-7 triệu lên đến 8,8 triệu đồng/m2. Ông Huy cũng cho biết, số căn hộ tại dự án Ngô Thì Nhậm được "bán đứt" có nghĩa là người mua phải trả hết tiền khi nhận nhà. Chính việc mua đứt, bán đoạn này khiến các gia đình mua NXH đang phải chạy đôn chạy đáo vay tiền.

Các thông tư hướng dẫn của Bộ Xây dựng đưa ra nhiều hình thức giao dịch với NXH là: Trả tiền một lần, trả góp hoặc thuê. Việc trả theo hình thức nào là có sự thoả thuận giữa hai bên.

Tuy nhiên, trong trường hợp này, việc Vinaconex chỉ áp dụng hình thức bán đứt, chưa có sự thoả thuận, bàn bạc giữa hai bên đã gây rất nhiều khó khăn cho người mua nhà. Do đó, ý nghĩa xã hội của chương trình nhà cho người nghèo đô thị bị giảm đi nhiều.