Dân Việt

Nông sản quay về sân nhà

09/04/2012 13:10 GMT+7
(Dân Việt) - Việt Nam đang là nước sản xuất ra nhiều mặt hàng nông sản và hàng năm có tới 90% cà phê, 20% lúa gạo làm ra để xuất khẩu (XK). Song giờ đây, đã có nhiều doanh nghiệp (DN) trong nước quay về khai thác thị trường trong nước đầy tiềm năng.

Chỉ nghĩ đến xuất khẩu

Bà Đinh Thị Mỹ Loan - Tổng Thư ký Hiệp hội Bán lẻ VN không ít lần than rằng, hầu hết các mặt hàng nông sản chủ lực của VN quá chú trọng vào thị trường XK, mà bỏ ngỏ thị trường nội địa. Đơn cử ngành điều, hiện mức tiêu thụ của thị trường nội địa chỉ chiếm chưa đến 5% với vài mặt hàng hạt điều rang muối, điều nhân mật ong, bánh, kẹo nhân điều.

img
Thu hoạch Thanh Long ở Bình Thuận.

Tương tự, trong khi các DN chế biến gỗ VN cạnh tranh quyết liệt để có những đơn hàng XK từ các đối tác Mỹ, châu Âu, Nhật Bản…, thì thị trường nội địa lại bị bỏ ngỏ dù lợi nhuận của sản phẩm gỗ tại thị trường nội địa cao hơn XK tới 10%.

Ông Nguyễn Tôn Quyền- Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản VN thừa nhận: “Lâu nay, các DN sản xuất, chế biến mới chỉ tập trung cho XK, chưa quan tâm đúng mức thị trường nội địa. Chỉ có khoảng 20% doanh số tiêu thụ đồ gỗ trong nước thuộc về các sản phẩm của DN Việt, còn lại 80% thuộc về các sản phẩm có xuất xứ của các nước Malaysia, Trung Quốc, Thái Lan…”.

Ông Đặng Quốc Hùng- Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP. Hồ Chí Minh đánh giá: “Các DN trong nước ít chủ động sản xuất phục vụ thị trường nội địa, phần lớn làm theo đơn đặt hàng của các nhà nhập khẩu nước ngoài để XK sản phẩm. Điều này cũng dẫn tới DN không quen tìm hiểu thị trường nội địa và sản xuất đồ gỗ cho thị trường nội địa”.

Chinh phục thị trường nội

Theo bà Loan, chinh phục thị trường nội địa chưa bao giờ đơn giản với DN, cho dù thị trường này rất tiềm năng cho bất cứ DN sản xuất nào. Tuy nhiên, đã đến lúc các DN XK nông sản VN phải nghĩ tới để thay đổi tư duy kinh doanh. "Mở rộng thị trường tiêu thụ nội địa là một yêu cầu cấp bách để giảm áp lực phụ thuộc vào thị trường XK. Thị trường nội địa sẽ đóng vai trò quan trọng và góp phần làm giảm sự bấp bênh của sản phẩm, giá cả nông sản chúng ta làm ra" - bà Loan nói.

Ngành cà phê được xem là một trong những ngành hàng đi đầu trong việc quay trở lại với người tiêu dùng trong nước, nhưng cũng đã phải mất không ít thời gian, bởi theo ông Đặng Lê Nguyên Vũ- Tổng Giám đốc Công ty Cà phê Trung Nguyên: “Việc bỏ ngỏ thị trường nội quá lâu đã dẫn đến DN thiếu bền vững trong phát triển. Cà phê VN đến nay cũng mới chỉ đạt được thành công chút ít trong việc chinh phục người tiêu dùng trong nước”.

Thủy sản xuất đi, nhập lại

Thủy sản được coi là điểm sáng về XK của nước ta với kim ngạch đạt 6,5 tỷ USD trong năm 2011, song hàng năm chính VN cũng phải nhập khẩu một lượng thủy sản rất lớn. Ông Ngô Phước Hậu-Chủ tịch HĐQT Công ty Xuất nhập khẩu Thủy sản An Giang (Agifish) thừa nhận: “Trong khi DN trong nước hoàn toàn bỏ ngỏ thị trường nội địa, thì nhiều sản phẩm ngoại tràn vào với lượng tiêu thụ ngày càng lớn. Nếu không quay về chiếm lĩnh sân nhà từ bây giờ thì DN VN có thể XK thủy sản lớn ra thế giới, nhưng lại thua trên sân nhà sẽ là sự thật, chứ không còn là nguy cơ nữa”.

Ông Nguyễn Lâm Viên- Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Vinamit cũng cho rằng: “Các DN Trung Quốc còn đang dự định mở trung tâm thương mại, trưng bày và giới thiệu sản phẩm của họ để thúc đẩy việc đưa hàng vào VN. Do vậy, các DN VN cần phải nhanh chóng nghĩ tới chiến lược quay về thị trường nội địa trước khi quá muộn”.

Theo chuyên gia kinh tế Phạm Tất Thắng (Viện Nghiên cứu thương mại), sở dĩ các DN nước ngoài thành công tại thị trường VN là do họ biết nghiên cứu hành vi của người tiêu dùng, nhất là liên quan đến nhu cầu và tiến trình quyết định mua sản phẩm của họ để có biện pháp thâm nhập và phát triển phù hợp nhằm gia tăng thị phần ở VN.

Do vậy, theo ông Thắng: “Các DN VN không nên nghĩ quay về nội địa là quay về sân nhà và do mình quá yếu kém ở thị trường bên ngoài, mà vấn đề là thị trường nội địa vẫn còn bị bỏ ngỏ, còn rất nhiều cơ hội kinh doanh cho các DN, từ đó bắt tay đầu tư mạnh mẽ ngay từ bây giờ”.