Nếp nhà, nếp nghề
Nghệ nhân Nguyễn Hữu Chỉnh sinh năm 1936 trong một gia đình có truyền thống làm lụa. Ngay từ khi mới 15 tuổi, ông Chỉnh đã cho ra các mẫu thiết kế sáng tạo độc đáo, nhưng vẫn đảm bảo được những nét truyền thống của lụa Vạn Phúc.
Nghệ nhân Nguyễn Hữu Chỉnh với những đường nét trên tấm lụa Long Vân. |
Nghệ nhân cho biết, để có được những sản phẩm lụa đẹp ngoài tiêu chí tay nghề của người thợ dệt thì chất lượng tơ là điều quan trọng nhất. Mỗi loại tơ khi mua về đều được phân đoạn tỉ mỉ. Theo kinh nghiệm của ông, tơ tằm thường không chịu được độ kiềm cao, trong khi đa phần thuốc nhuộm vải hoá học lại chứa nhiều kiềm, đó là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến hiện tượng phai màu của lụa. Để đạt được độ bền màu cao, ông đã chọn các chất liệu lấy từ thiên nhiên như lá bàng, lá trầu không, củ nâu để khống chế độ kiềm.
Đặt chữ tâm vào vuông lụa
Suốt mấy chục năm gắn bó với nghề, cho đến nay, Nghệ nhân Nguyễn Hữu Chỉnh đã sáng tạo ra rất nhiều mẫu sản phẩm lụa độc nhất vô nhị gắn liền với tên tuổi ông như: Khăn lụa tơ tằm mẫu Long Vân; lụa tơ tằm mẫu Hoa Ban... đáp ứng được thị hiếu của khách hàng, làm nên sức sống tươi mới và bền vững của những nếp lụa Hà Đông.
Theo Nghệ nhân Nguyễn Hữu Chỉnh: "NÐt đặc trưng để phân biệt lụa Hà Đông là chất liệu tơ tằm và những hoa văn dệt nổi. Cái tinh túy nhất của lụa Hà Đông nằm ở kỹ thuật dệt trải bao đời nay của người Vạn Phúc. Vì thế, muốn dệt được lụa đẹp phải đặt cả cái tâm vào đó”.
Ông bảo, mỗi sản phẩm lụa giống như một tác phẩm nghệ thuật điêu khắc mà ở đó, người dệt lụa cũng chính là một nghệ sĩ tài hoa. Muốn có được những sản phẩm là tinh túy thì người làm nên những sản phẩm ấy phải là người có con mắt thẩm mỹ, yêu cuộc sống và có khát vọng say mê nghề nghiệp.
Thế rồi, từ những ấp ủ, từ niềm thiết tha mong muốn làm ra một sản phẩm tri ân công đức tổ tiên, các bậc tiền nhân, tri ân nghề lụa và kính dâng lên Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, Nghệ nhân Nguyễn Hữu Chỉnh không quản tuổi già, dồn mọi tâm huyết thiết kế để cho ra đời mẫu lụa Long Vân. Đó là thếp lụa quý với những họa tiết mang hình tượng lưỡng long chầu Khuê Văn Các (biểu tượng của Hà Nội) được cách điệu trong hình ảnh hoa sen, kết hợp với những họa tiết truyền thống điểm xuyết.
Với nỗi lo canh cánh cho tương lai làng nghề, người “họa sĩ lụa” ấy vẫn không ngừng nuôi dưỡng ngọn lửa của những niềm đam mê, những ý tưởng sáng tạo, mặc cho tuổi tác và thời gian khắc nghiệt. Rồi đây, danh thơm lụa Hà Đông sẽ còn mãi và lịch sử sẽ luôn biết ơn những con người đau đáu cùng những thăng trầm đời lụa.
Hồ Phương Phúc