Dân Việt

SỐC: Phát hiện "công thức" biến nước thành vàng!

18/03/2013 19:05 GMT+7
Dân Việt - Các nhà khoa học thuộc ĐH Queensland (Australia) vừa công bố công trình nghiên cứu về mối liên hệ giữa động đất và nước trong quá trình hình thành nên vàng. Công trình vừa được đăng tải trên Nature Geoscience.

Dion Weatherley-một nhà địa vật lý tại đại học Queensland, Australia và là tác giả chính của nghiên cứu kể trên cho biết, động đất đóng vai trò quyết định trong cơ chế tạo ra vàng. Thậm chí, ông này còn so sánh động đất với nhà vua Midal trong thần thoại Hy Lạp-người chạm tay vào đâu là mọi thứ lập tức trở thành vàng! 

img
Động đất có vai trò quyết định đến việc hình thành vàng. Ảnh: Reuters

Theo các nhà khoa học thuộc đại học Queensland, khi một trận động đất xảy ra sẽ xuất hiện vô số vết đứt gãy địa chất lớn nhỏ. Nước sẽ dần dần lấp đầy vết đứt gãy này theo thời gian. Ở khoảng 10 km dưới bề mặt trái đất, nhiệt độ và áp suất cực lớn. Nước mang nồng độ cao các chất carbon điôxít, silica cũng như những chất khác cần thiết cho quá trình tạo ra vàng.

“Sau đó, một trận động đất tiếp theo khiến khe nước kể trên được mở rộng. Áp suất đang từ rất cao bỗng nhiên giảm đột ngột tương tự như việc ta mở vung chiếc nồi áp suất đã đun từ rất lâu. Quá trình này khiến nước bốc hơi, hình thành nên các kết tủa của tinh thể thạch anh và đặc biệt là vàng”, ông Richard Henley-đồng tác giả của nghiên cứu kể trên, cho biết.

img
Việc tìm ra cơ chế hình thành nên vàng sẽ giúp ích cho quá trình tìm kiếmnhững mỏ vàng trong tương lai.

Được biết, từ lâu đã có nhiều nhà khoa học tin rằng quá trình giảm áp đột ngột chính là then chốt cho việc hình thành nên vàng. Nghiên cứu của các nhà khoa học đại học Queensland càng củng cố thêm cơ sở của lý thuyết này.

“Với tôi, cơ chế đó có vẻ rất hợp lý. Tuy nhiên, cần có thêm mô hình thực nghiệm và số liệu chi tiết hơn nữa để thực sự khẳng định chắc chắn”, Jamie Wilkinson-một nhà địa chất nổi tiếng người Anh cho biết.

Các nhà khoa học thuộc đại học Queensland tiết lộ thêm, rất nhiều mạch vàng được hình thành trong các thời kỳ địa chất từ 3 tỷ năm trước. Họ cũng cho rằng, số lượng vàng được hình thành trong một trận động đất là rất nhỏ bởi các chất lỏng trong lòng đất chỉ chứa 1 phần triệu những yếu tố quý giá.

Thế nhưng, ở những khu vực xảy ra động đất nhiều nhất thế giới như Alpine Fault (New Zealand), một mỏ vàng có thể được hình thành sau 100.000 năm.

Việc tìm ra cơ chế hình thành nên vàng sẽ giúp ích rất nhiều cho quá trình tìm kiếm, thăm dò những mỏ vàng trong tương lai. Theo Hiệp hội vàng thế giới, con người đã khai thác khoảng 188.000 tấn vàng từ dưới lòng đất trong suốt chiều dài lịch sử của mình.