Ở nhiều vùng nông thôn Quảng Bình, người dân hết sức hoang mang khi đàn trâu, bò của họ thường bị kẻ xấu phá hoại.
“Tắm máu” đàn bò
Tiếp chuyện với PV NTNN, ông Đinh Vũ Thường ở thị trấn Quy Đạt, huyện Minh Hoá vẫn chưa hết bức xúc khi đàn bò của ông bị kẻ xấu phá hoại. Không chỉ tiếc đống tài sản của mình bị phá hoại, ông Thường hết sức căm phẫn với hành vi sát hại hết sức dã man của kẻ xấu đối với đàn bò của ông.
Sau vụ thảm sát đàn bò,ông Đinh Vũ Thường chỉ dám nuôi một còn bò để cày bừa. |
Ông Thường kể: Khoảng tháng 3.2012, sáng đó nhà ông có đám giỗ, nên ông lùa đàn bò 7 con của gia đình lên ngọn đồi trọc ở sau nhà để thả. Đám giỗ vừa tan, ông lên thăm đàn bò thì thấy đàn bò bị kẻ xấu chém tả tơi, máu nhuộm đỏ cả bãi cỏ rộng. Một con bò mẹ nằm lăn ra đất bị nhiều vết chém ở chân và ở lưng. 2 con bò khác đang đi khập khiễng vì bị chém vào chân, 4 con bò còn lại may mắn chỉ bị sây sát trên lưng nhờ chạy nhanh…
“Gia đình tui làm nông nghiệp, tài sản quý giá nhất là đàn bò được vợ chồng tui gây dựng từ nhiều năm qua. Đáng lẽ nếu bán đi cũng được gần 100 triệu đồng, khi những con bò bị kẻ xấu chặt chân, thương lái họ đến trả chỉ còn một nửa số tiền” - ông Thường than thở.
Ông Thường cho biết, trong 3 con bò bị chặt chân có 2 con bò mẹ. Đây là những con bò giống rất tốt, mỗi năm sinh đều đặn cho gia đình ông đến 2 con bê, sau một năm đã bán hơn 30 triệu đồng. Nhờ đàn bò mà gia đình ông Thường nuôi đến 6 người con ăn học trong thời gian qua. “Sau vụ đó, tui cũng bán dần đàn bò, không dám nuôi nữa, chỉ để lại một con cày thôi” – ông Thường nói.
Gia đình ông Trương Văn Sơn ở xã Thượng Hoá (Minh Hoá) chỉ có một con trâu để cày bừa làm đất sản xuất. Thế mà trước Tết Quý Tỵ, con trâu của ông Sơn cũng đã bị kẻ xấu chặt đứt chân khi chăn thả trên đồng. Con trâu mẹ đang chửa 5 tháng có giá gần 25 triệu đồng, chỉ còn bán được chưa tới 10 triệu đồng. Đang giữa vụ cày mà trâu què, ông phải đi thuê trâu để làm đất, tốn kém thêm bội phần.
Những chiêu độc hiểm
Không chỉ chặt chân trâu, bò kẻ xấu còn có nhiều chiêu rất thâm hiểm nhằm phá hoại tài sản của bà con nông dân. Ông Lê Đình Hiệu - Chủ tịch Hội Nông dân xã Phúc Trạch (Bố Trạch) kể, cách đây chưa lâu ở địa phương này có một “vụ án” về phá hoại tài sản có một không hai mà trong lịch sử ngành công an e hiếm gặp.
Gia đình ông Nguyễn Lãnh có con bò đực cày rất lớn. Do kẹt tiền, ông Lãnh gọi thương lái đến để bán và họ trả 25 triệu đồng nhưng ông chưa đồng ý. Sau khi thương lái bỏ đi, con bò đực của ông Lãnh đang khoẻ mạnh đột nhiên bỏ ăn. Ông Lãnh gọi bác sĩ thú y đến khám cũng không phát hiện con bò mắc bệnh gì. Do con bò ngày càng gầy nhom nên ông Lãnh quyết định làm thịt, khi đó ông mới phát hiện ở dưới mõm trên con bò bị một cái kim khâu đâm vào. Lúc đó, ông Lãnh cùng mọi người mới vỡ lẽ, hóa ra kẻ xấu đã đâm cái kim vào chỗ hiểm đó, làm mỗi khi gặm cỏ, con bò bị kim đâm quá đau nên mới bỏ ăn…
Theo ông Hiệu, cũng tại xã Phúc Trạch, sau đó còn có nhiều trường hợp trâu bò bị kẻ xấu dùng dao sắc cắt vào mõm, làm chúng không ăn được và gia chủ phải bán tống, bán tháo với giá thấp.
Ở chợ phiên Quy Đạt thỉnh thoảng các bác nông dân cũng dắt những con trâu bò cụt đuôi xuống đây để bán. Thường thì giá những con trâu bò cụt đuôi chỉ bằng 2/3 những con bình thường. Theo họ, chặt đuôi trâu bò cũng là một chiêu hiểm của những kẻ xấu. Bởi con trâu bò bị chặt nuôi dù không chết nhưng nó sẽ trở nên gầy yếu dù vết thương đã lành. Bởi lẽ, cái đuôi trâu bò là bộ phận không chỉ “làm đẹp”, nó còn là dụng cụ rất hữu hiệu trong việc đuổi ruồi muỗi hút máu của trâu bò…
Ở địa phương từ trước đến nay xảy ra rất nhiều vụ phá hoại sản xuất kiểu như chặt chân trâu bò, cây cối… Những hộ dân có trâu bò bị chặt chân, họ có báo công an nhưng công an vẫn không tìm ra được thủ phạm, kẻ thủ ác vẫn ở trong bóng tối. “Hình như công an họ cho rằng đó là những vụ án nhỏ nên điều tra không đến nơi đến chốn thì phải” - một người dân đặt câu hỏi.
Phan Phương