Cái vòng chết chóc luẩn quẩn cứ hiện hữu trong từng bữa ăn, từng giấc ngủ chập chờn của vợ chồng họ.
Khi chúng tôi tìm đến nhà vợ chồng anh Quang, chị Hưởng thì chỉ nghe thấy những tiếng thở dài của những người hàng xóm thương cảm cho gia đình bi đát ấy. Căn bệnh lạ quái ác cứ nối tiếp nhau cướp đi sự sống của 3 đứa trẻ đang tuổi ăn, tuổi học đã trở thành một nỗi ám ảnh chết chóc cho vùng quê nghèo An Hưng này.
Người mẹ bất hạnh đau đớn khi nhắc đến 3 đứa con xấu số. |
Gục ngã vì nỗi đau mất con
Căn nhà gạch của chị Hưởng với những mảng tường rêu phong xám xịt, mốc thếch úa màu theo thời gian. Bên bậu cửa mục nát, xiêu vẹo, chị ngồi đó, nước mắt cứ tuôn chảy trên hai gò má đen sạm. Tiếp chuyện chúng tôi, chị gắng gượng lắm mới nói được đôi câu.
Chị như người mất hồn, sức khỏe suy sụp hẳn, chẳng làm gì được, phải sống nhờ thuốc trợ tim và truyền nước. Còn chồng chị, sau những cái chết của các con cũng lao vào công việc để mong vơi bớt nỗi đau, nỗi nhớ con và cố gắng kiếm ít tiền, trả dần nợ lãi.
Nhắc đến các con, chị Hưởng lại lấy tay áo quệt nước mắt: “Đứa mô cũng ngoan, hiền, lại học hành giỏi giang, thế mà ông trời bắt phải chết. Tui quá sức chịu đựng rồi!”. Bình tĩnh lắm chị mới kể được nỗi đau mà gia đình chị phải hứng chịu trong mấy năm liên tiếp.
Cái chết đầu tiên là của cháu Nguyễn Trọng Sang (SN 1991), con thứ hai của vợ chồng chị, lúc ấy đang học lớp 8. Đang khỏe mạnh, hiếu động như các bạn cùng trang lứa, bỗng nhiên sức khỏe của Sang yếu dần, đi đứng liêu xiêu, hay ngã một cách bất thường, tay queo quắt, cầm bút, nâng bát cơm mà cứ run lên bần bật.
Gia đình hốt hoảng đem cháu đi khắp các bệnh viện trong tỉnh mà không tìm ra bệnh. Lo cho sức khỏe của con, anh chị đem Sang vào Bệnh viện Trung ương Huế. Nhưng dù đã khám, chiếu chụp phim hàng chục lần, các bác sĩ vẫn không tìm ra bệnh gì. Sau 2 năm đi đi về về như con thoi giữa bệnh viện và nhà, năm 2006, Sang đã ra đi khi mới có 15 tuổi.
Nguyễn Nhất Quân có dấu hiệu của căn bệnh lạ. |
Nỗi đau đớn, mất mát chưa kịp nguôi ngoai thì đến lượt đứa con đầu của chị Hưởng là Nguyễn Thị Phương Chi (SN 1988) bị lâm bệnh. Thi rớt đại học, Chi xin mẹ ra phụ bán hàng đồ điện tại nhà người bà con ở thành phố Đông Hà kiếm tiền mua sách vở để năm sau thi tiếp.
Làm được mấy tháng, Chi cứ ngất xỉu liên hồi, chân tay phù nề. Gia đình tức tốc đưa em vào Huế thăm khám. Dù được các bác sĩ tận tình chăm sóc, nhưng do vẫn không biết là bệnh gì để có phương pháp điều trị phù hợp nên sau gần 2 năm vật vã trong đau đớn, Chi trút hơi thở cuối cùng vào tháng 2.2009, từ bỏ giấc mơ giảng đường đại học.
Căn bệnh lạ ập đến gia đình chị Hưởng không một điềm báo trước khiến cuộc sống của vợ chồng chị trở nên túng quẫn, đau đớn, vừa mất con vừa bì bõm trong vũng lầy nợ nần. Ngay cả chiếc xe máy là phương tiện đi lại, anh Quang cũng bán nốt để có tiền chữa bệnh cho con. Những tưởng tai ương đã qua, nhưng ngờ đâu thần chết vẫn chưa chịu thuông tha.
Cái giếng nước chị Hưởng nghi nhiễm độc. |
Cháu Nguyễn Thị Hoài Thu (SN 1998), đang học lớp 8, cũng mắc những triệu chứng như anh, chị mình. Thu quay quắt vì bệnh, liên tục nghỉ học vì chứng ngất xỉu đột ngột, chân tay cứ thế teo tóp.
Dường như linh cảm được căn bệnh lạ đang hiện hữu trong cơ thể Thu, anh chị lại vơ vét của cải, chạy vạy vay mượn tiền bạc của những người hàng xóm đưa Thu vào bệnh viện. Để giành giật sự sống cho con, vợ chồng chị đành cầm cố sổ đỏ ngôi nhà đang ở. Dù đã gắng gượng tận cùng nhưng đến tháng 5.2012, Thu vẫn từ giã cõi đời khi em tròn 14 tuổi.
Bế tắc khi tìm nguyên nhân
Vợ chồng chị cũng chẳng hiểu tại sao ông trời lại giáng tai ương liên tục xuống gia đình mình như thế. Bởi cả hai bên gia đình nội, ngoại, ai cũng khỏe mạnh, không ai bị bệnh tật gì. Lo sợ nguồn nước giếng nhiễm chất độc, anh chị bàn nhau đưa mẫu nước giếng vào thành phố Huế xét nghiệm. Người ta bảo, khi nào có kết quả sẽ thông báo, nhưng đã hơn 5 tháng mà gia đình chị vẫn chưa nhận được hồi âm. Hằng ngày, chị phải qua mấy nhà hàng xóm gánh nước về để dùng.
Những đám tang nối tiếp nhau của 3 đứa trẻ trong cùng một gia đình đã khiến thôn nghèo An Hưng phủ một màu xám xịt. Lần đầu tiên từ khi khai hoang lập ấp, người dân trong thôn mới chứng kiến cảnh tượng chết chóc liên tiếp lạ lùng ấy. Vợ chồng chị Hưởng còn lại 2 cháu: Nguyễn Trọng Quý (SN 1994) và Nguyễn Nhất Quân (SN 1996).
Lo sợ 2 đứa trẻ lại mắc chứng bệnh ấy, hàng xóm hối thúc anh chị đưa chúng đi khám. Chị Hưởng tức tốc đưa 2 con vào Bệnh viện Trung ương Huế. Dường như nỗi đau đã đến tận cùng giới hạn khi bác sĩ thông báo, cháu Quân có những dấu hiệu mầm bệnh lạ mà y học vẫn chưa tìm ra nguyên nhân và hướng điều trị.
Quân cũng hay xây xẩm mặt mày, khó thở và gầy đét như que củi. Trước đó, thấy ba mẹ chạy ngược chạy xuôi vay mượn tiền bạc, Quân đã bỏ học đi làm kiếm tiền phụ ba mẹ chữa bệnh cho chị và em gái.
Bác sĩ ở Bệnh viện Trung ương Huế kê toa thuốc, gia đình phải vào Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) mua thuốc cho Quân. “Mỗi tháng vào lấy một lần, riêng tiền thuốc là 1 triệu rưỡi, chưa kể tiền đi lại. Giờ ngày nào thằng Quân cũng phải uống thuốc”.
Nhìn đứa con trai bệnh tật mà chị Hưởng ứa nước mắt. Chị sợ Quân sẽ ra đi theo những đứa con xấu số. Chị bảo, trong 5 năm, 3 đứa con đã bỏ chị mà đi. Giờ căn bệnh lạ mà cướp nốt sinh mạng 2 đứa còn lại thì chị chẳng thiết sống nữa.
Liệu chỉ với tình thương của người làm cha, làm mẹ, vợ chồng chị Hưởng có đủ sức để giành giật sự sống của con khỏi lưỡi hái tử thần, khi mà căn bệnh lạ vẫn ngày đêm chực chờ, hiện hữu trong từng bữa ăn, giấc ngủ của gia đình người đàn bà bất hạnh?