Dân Việt

Nhập lậu giống gia cầm sẽ thủ tiêu ngành chăn nuôi

17/05/2013 06:34 GMT+7
(Dân Việt) - “Nếu không kiểm soát được tình trạng nhập lậu gia cầm và giống từ Trung Quốc, ngành chăn nuôi trong nước sẽ bị thủ tiêu”. Ông Nguyễn Xuân Dương - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT) khẳng định.

Thời gian gần đây, lực lượng chức năng của các tỉnh biên giới đã phát hiện, bắt giữ nhiều vụ vận chuyển gia cầm giống nhập lậu vào Việt Nam. Theo ông, điều này ảnh hưởng như thế nào đến ngành chăn nuôi trong nước?

img
Gia cầm giống nhập lậu đang thủ tiêu ngành chăn nuôi trong nước (trong ảnh, chăn nuôi gà đẻ trứng tại Đông Anh, Hà Nội- ảnh minh họa).

- Phải nói luôn, không chỉ giống gia cầm nhập lậu không rõ nguồn gốc, mà ngay cả giống gia cầm trong nước kém chất lượng cũng sẽ là những “sát thủ thủ tiêu” động lực phát triển của ngành chăn nuôi.

Trước hết, nó sẽ làm cho người sản xuất giống chân chính trong nước dần đuối sức; bên cạnh đó giống kém chất lượng sẽ làm giá thành sản xuất tăng lên, người chăn nuôi khó cạnh tranh về giá trên thị trường khi đối đầu với những “gã khổng lồ” là các công ty chăn nuôi nước ngoài và cả trong nước. Hơn nữa, những loại giống này khi chưa được kiểm định chất lượng sẽ có nguy cơ bùng phát các loại dịch bệnh cao…

Ông Nguyễn Xuân Dương cho biết: Giá các mặt hàng thực phẩm trong nước đang thấp hơn so với nhiều nước trong khu vực như Thái Lan, Trung Quốc. Cụ thể, giá thịt lợn hơi bình quân (quý I vừa qua) chỉ khoảng 40.000 đồng/kg (trong khi ở Thái Lan 43.000 đồng/kg; Trung Quốc là 46.000 đồng/kg). Với mức giá này, người chăn nuôi không có lãi .

Một vấn đề “nóng” hiện nay là, không ít địa phương kêu thiếu giống, nhất là giống chất lượng. Cục Chăn nuôi có trách nhiệm như thế nào đối với vấn đề này?

- Người chăn nuôi hiện nay chưa có thói quen lựa chọn giống, chưa quan tâm đến chất lượng, nguồn gốc của giống, nhất là chăn nuôi quy mô nông hộ. Họ chủ yếu lấy giống từ đàn gia súc, gia cầm thương phẩm. Việc thiếu giống chất lương, theo tôi chỉ là cục bộ, chứ cũng không phổ biến lắm. Hiện nay, chúng tôi đang rà soát quy hoạch giống, nhất là giống gia cầm ở các tỉnh trung du và miền núi phía Bắc theo phương án tăng số lượng giống chất lượng cao tại chỗ.

Quay trở lại với vấn đề chăn nuôi trong nước hiện nay, thực tế cho thấy những chính sách nhằm “giải thoát” người chăn nuôi vẫn chưa đến được với họ, thưa ông?

- Đây là thực tế đáng lo ngại đối với sản xuất chăn nuôi. Nhiều chính sách được đưa ra nhưng chưa thực sự đi vào thực tế. Gói hỗ trợ lãi suất 11% của Chính phủ chỉ ít người tiếp cận được…

Vậy giải pháp cho vấn đề này là gì, thưa ông?

- Theo tôi, nếu không có sự vào cuộc của Chính phủ, các bộ ngành, địa phương… thì dù có bàn bạc bao nhiêu cũng không đạt được hiệu quả như mong muốn. Thời điểm này, theo tôi cần tiếp tục điều chỉnh theo hướng thấp hơn 11% và đặc biệt phải có sự “chia sẻ” từ ngân sách nhà nước, địa phương, Ngân hàng Nhà nước cùng các chính sách về bảo hiểm vật nuôi, hệ thống khuyến nông, các nhà khoa học, doanh nghiệp…

Ngoài ra, người chăn nuôi chủ động tiết kiệm, giảm chi phí đầu vào của sản xuất chăn nuôi, mà trước tiên giảm chi phí thức ăn chăn nuôi. Khuyến khích sử dụng thức ăn chế biến bằng nguyên liệu tại chỗ…

Xin cảm ơn ông!