Theo ông Danh Út - Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, bên cạnh những kết quả quan trọng đã đạt được, việc thực hiện Nghị quyết 30a vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập. Ông Út nhấn mạnh tình trạng một số doanh nghiệp chậm hỗ trợ huyện nghèo theo phân công của Chính phủ.
Nhiều huyện nghèo chưa được doanh nghiệp hỗ trợ . |
Ông Hoàng Trung Định - chuyên viên Vụ Kinh tế địa phương và lãnh thổ (Bộ KHĐT) cho rằng, việc nhiều huyện nghèo chậm được doanh nghiệp hỗ trợ xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Một số huyện như Bảo Lâm, Thông Nông (Cao Bằng), do chưa chủ động liên hệ, đề xuất nhu cầu hỗ trợ với các doanh nghiệp nên chưa nhận được sự giúp đỡ nào từ các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp được phân công đã đề nghị các địa phương này đề xuất nhu cầu và đối tượng hỗ trợ nhưng không nhận được hồi âm, khiến khả năng huy động nguồn lực của địa phương còn hạn chế.
Ông Định cũng “điểm mặt” một số doanh nghiệp thuộc diện chậm hỗ trợ huyện nghèo như Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông I, Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam, Tổng Công ty cổ phần Vinaconex, Tập đoàn Công nghiệp Tàu thuỷ Việt Nam (Vinashin)…
Cũng theo ông Định, ngoài chậm thực hiện cam kết, một số doanh nghiệp hỗ trợ các lĩnh vực liên quan tới tập tục văn hoá của cộng đồng dân tộc ít người như nhà ở chưa phù hợp với phong tục, thói quen sinh hoạt của đồng bào, dẫn tới việc đồng bào dân tộc thiểu số không tới nhà mới để ở.
Ông Lý Anh Hừ - Chủ tịch UBND huyện Mường Tè (Lai Châu) đề nghị Tập đoàn Bưu chính viễn thông ưu tiên bố trí đủ nguồn vốn theo dự toán và cam kết đã ký với huyện Mường Tè. Theo ông Hừ, việc doanh nghiệp này chưa bố trí đủ nguồn vốn khiến việc triển khai các công trình ở huyện chậm tiến độ...
An Sơn