Dân Việt

Nghịch lý ở Khánh Hòa: Nhà máy ô nhiễm nhưng lại di dời dân

Mai Khuê 17/07/2013 16:15 GMT+7
Từ khi Nhà máy Chế biến tách cọng thuốc lá Khatoco đi vào hoạt động, người dân tại thôn Đăk Lộc, xã Vĩnh Phương, TP.Nha Trang liên tục kéo đến trước cổng nhà máy để phản đối việc nhà máy này gây ô nhiễm môi trường.
Nhiều người dùng thanh la, biểu ngữ, la hét phản đối, thậm chí có người quá khích còn ném đá, bắn bi sắt vào khu vực nhà máy.

Theo người dân, bụi, tiếng ồn và mùi thuốc lá nồng nặc từ nhà máyChế biến tách cọng thuốc lá Khatoco (thuộc Công ty Thuốc lá nguyên liệu Khatoco, Tổng Công ty Khánh Việt, tại Cụm công nghiệp Đăk Lộc)đã làm cho cuộc sống của họ đảo lộn, nhiều người khó thở, trẻ em, phụ nữ ngã bệnh. Bụi từ nhà máy đóng lớp, bám vào quần áo, nguồn nước, ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt của người dân. Mùi thuốc lá thì nồng nặc từ sáng đến tận tối, nhiều trẻ nhỏ trong thôn bị chảy máu cam, viêm họng, ho hen, phụ nữ mang thai phải đi ở nhờ nhà người thân ở xa, còn người già thì khó thở…

Bà Nguyễn Thị Bền, nhà chỉ cách nhà máy vài mét, bức xúc: “Chồng tôi bị phát bệnh hen, phải đi cấp cứu 2 lần kể từ khi nhà máy này mọc lên, nay ổng phải bỏ nhà sang nhà con trai ở. Tui cũng lánh nạn cho đến tận chiều tối, đổi hướng gió, bớt mùi, mới dám về nhà mình”. Chỉ tay sang nhà hàng xóm đang bỏ hoang, bà Bền cho biết, nhiều nhà khác là hàng xóm đều đã phải bỏ nhà bỏ cửa “lánh nạn” nơi khác vì không sống nổi với mùi thuốc lá nồng hắc suốt mười mấy giờ mỗi ngày.

Ông Lê Đức Vinh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, Thường trực UBND tỉnh đã đồng ý với đề xuất của Công ty Thuốc lá nguyên liệu Khatoco di dời các hộ dân xung quanh Nhà máy Chế biến tách cọng thuốc lá Khatoco, tạo vành đai 50m vùng giáp ranh nhà máy và khu dân cư. Các hộ dân cần di dời sẽ được bồi thường theo đúng quy định...


Ông Hoàng Đình Doanh – Phó Giám đốc Công ty Thuốc lá nguyên liệu Khatoco, cho biết: Trước phản ứng của người dân, nhà máy đã cố gắng khắc phục nhiều về tiếng ổn, khói bụi… Hiện các chỉ số về môi trường của nhà máy đều đạt tiêu chuẩn cho phép. Nhưng yêu cầu và nguyện vọng của dân là phải trả lại cuộc sống bình yên như trước đây cho họ, chúng tôi không thể đáp ứng được. Nhà máy đã được đầu tư trên 450 tỷ đồng, đặt trong cụm công nghiệp theo đúng quy hoạch, không thể di dời được, không có cách nào khác là phải di dời dân đến chỗ ở mới.

Sau khi nghe thông tin sẽ phải di dời sang nơi ở mới, bà Nguyễn Thị Bền bức xúc: “Tôi không biết tại sao chính quyền lại cho đặt nhà máy này ở ngay sát khu dân cư như vậy. Chúng tôi đã ở đây từ mấy đời rồi, nay tự dưng mọc ra cái nhà máy này, rồi lại đuổi dân đi. Tại sao không đặt nhà máy ở chỗ khác xa dân, để cho dân được sống yên ổn. Như vậy có phải là quá bất công đối với dân không?”.

Bà Nguyễn Thị Tuyết – Chủ tịch UBND xã Vĩnh Phương, nói: Đây là cái sai của các cấp khi đặt nhà máy ở vị trí này. Theo quy định, cụm công nghiệp phải cách nhà dân tối thiểu là 50m, vậy tại sao lại đặt nhà máy chỉ cách nhà dân 1-2m? Người dân còn phản ảnh rằng, đất ở cụm công nghiệp này rất rộng, tại sao không đặt nhà máy vào khu vực sát núi, rất xa nhà dân mà lại cứ đặt gần nhà dân để gây ô nhiễm, bức xúc như hiện nay?