Còn nhiều bất cập
Sau 3 năm thực hiện dạy nghề cho lao động nông thôn theo Đề án 1956, toàn huyện Vũ Thư chỉ mở được hơn 30 lớp cho hơn 1.000 lao động. Trong đó chủ yếu là các nghề hàn, điện dân dụng, nghề may, nghề lắp ráp ôtô... các lớp dạy nghề nông nghiệp chỉ chiếm 30%.
Những nghề này là nghề thế mạnh của các trường dạy nghề trên địa bàn tỉnh. Nhưng cũng vì là thế mạnh nên nguồn lao động học nghề xong không có việc làm đã dư thừa, trong khi các nghề mới xuất hiện, nhu cầu lớn thì không được đào tạo.
Lao động học nghề mộc tại xã Nguyên Xá, Vũ Thư, Thái Bình. |
Nói về khó khăn này, ông Nguyễn Hồng Việt - Trưởng phòng LĐTBXH huyện Vũ Thư thừa nhận: "Đúng là lâu nay, việc dạy nghề trên địa bàn là chỉ dạy những nghề mà các trường nghề, trung tâm đã có sẵn cơ sở vật chất chứ chưa dạy những nghề lao động cần. Điều này dẫn tới, hoạt động dạy nghề trong những năm vừa qua chưa "trúng" với nhu cầu của người dân".
Chị Nguyễn Thị Thủy (xã Đồng Thanh, Vũ Thư) đã từng học sơ cấp nghề điện (6 tháng) cho biết: "Nghề điện dân dụng ngỡ là có thu nhập cao, nhưng thực tế đã có rất nhiều người học nên tìm việc khó. Học xong đã 1 năm mà mình vẫn chưa có việc làm". Điều này không chỉ đúng với Thuỷ, mà là một thực tế chung của hàng trăm lao động sau học nghề trên địa bàn huyện đang gặp phải. Không ít lao động, sau cả năm trời học xong không có việc làm, "chữ thầy lại trả cho thầy". Điều này không chỉ gây lãng phí nguồn lực của Nhà nước hỗ trợ lao động, mà còn khiến lao động giảm niềm tin với công tác dạy và học nghề trên địa bàn.
Dạy nghề nông dân cần
Thực tế nói trên không chỉ do ngành LĐTBXH chưa có định hướng về dạy nghề, xác định đúng cung- cầu, mà còn do lao động thiếu thông tin về nhu cầu việc làm trên địa bàn, muốn học những nghề có lương cao để rồi "vỡ mộng". Giờ, tất cả đều phải điều chỉnh với cái nhìn thực tế hơn.
Lao động Nguyễn Văn Tuấn (xã Nguyên Xá, Vũ Thư) cho biết: "Mong muốn của mình là được học nghề chăn nuôi các loại cây, con đặc sản để về áp dụng cho việc mở rộng, xây dựng hệ thống trang trại của gia đình. Học nghề này phù hợp với điều kiện gia đình, tạo việc làm thêm cho lao động trong thôn, xã". Cũng theo Tuấn, việc học nghề chăn nuôi giúp anh tổ chức trang trại khoa học hơn và có điều kiện ứng dụng kỹ thuật mới ngay vào sản xuất, mà không phải vất vả đi xin việc như một số thanh niên khác.
Ông Nguyễn Hồng Việt
Trước thực tế đó, đầu năm 2012, Phòng LĐTBXH đã tổ chức khảo sát nhu cầu học nghề, nhằm đáp ứng "trúng" nhu cầu học nghề của lao động tại địa phương. Kết quả khảo sát đầu năm 2012 này cũng cho thấy, cả người dạy lẫn người học đều cảm thấy sự cần thiết "1 nghề cho chín còn hơn 9 nghề" và đã thay đổi tư duy trong học nghề và dạy nghề.
Ông Việt chia sẻ: "Giờ lao động đã biết học nghề là học cho chính mình, học để làm nghề nên biết chọn đúng, chọn trúng nghề mình cần. Vì vậy, thời gian tới, huyện sẽ tổ chức dạy nghề, tạo việc làm cho lao động theo đúng nhu cầu, ưu tiên phát triển nông nghiệp và dịch vụ. Nếu nghề nông dân cần học mà các cơ sở dạy nghề trên địa bàn không đáp ứng được thì sẽ tổ chức theo hình thức thỉnh giảng, liên kết giảng dạy".
Quang Anh