Vì sao Triều Tiên quyết phóng?
Sau khi công bố kế hoạch “phóng vệ tinh bằng tên lửa đẩy tầm xa”, Bình Nhưỡng đã phải hứng liên tiếp những “trận bão” chỉ trích từ quốc tế, đặc biệt là Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản. Ngay cả đồng minh hiếm hoi Trung Quốc cũng từng ra mặt khuyên họ nên hủy vụ phóng.
Triều Tiên thừa nhận thất bại trên kênh truyền hình nhà nước. Ảnh: NHK |
Giữa bối cảnh kinh tế khó khăn, đối với CHDCND Triều Tiên, thỏa thuận viện trợ lương thực của Mỹ cực kỳ quan trọng. Thế nhưng, họ chấp nhận để mất viện trợ chứ nhất định không hủy vụ phóng, kể cả việc trì hoãn cũng không.
Không chỉ có Mỹ, cả Nhật Bản, Hàn Quốc và Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc cũng cảnh báo về những biện pháp trừng phạt trong trường hợp Triều Tiên vẫn thực hiện vụ phóng gây tranh cãi.
Câu hỏi đặt ra là: Động cơ nào khiến Triều Tiên quyết phóng vệ tinh đến cùng, bất chấp sức ép mạnh mẽ của quốc tế?
Theo phân tích của hãng thông tấn CNN (Mỹ), có thể có ba lý do giải thích cho việc này.
Thứ nhất, vì Triều Tiên đang bị cô lập “tới mức không thể hơn được nữa” nên họ chẳng còn gì để mất, không cần quá quan tâm tới động thái của nước ngoài. Thứ hai, vụ phóng nếu thành công sẽ trở thành phần móng để xây dựng một tượng đài huyền thoại Kim Jong-un. Thứ ba, Triều Tiên đang muốn ganh đua với Hàn Quốc trong việc đưa một vệ tinh lên quỹ đạo – điều mà Seoul chưa từng làm được.
Trong khi đó, với những ai ủng hộ CHDCND Triều Tiên, họ tin rằng, vụ phóng là một phần trong khát vọng phát triển không gian vũ trụ phục vụ cho các mục đích hòa bình của người dân nước này.
Lỗi tại thứ Sáu, ngày 13?
Theo nguồn tin Nhật Bản, chỉ một phút sau khi được phóng lên lúc 7h39’ ngày 13.4, tên lửa của Bình Nhưỡng đã nổ tung thành bốn mảnh, rồi rơi xuống biển Hoàng Hải. Bộ Quốc phòng Hàn Quốc thì khẳng định, tên lửa Unha-3 đã vỡ ra khoảng 20 mảnh.
Sau ít giờ đồng hồ im lặng, tới buổi trưa cùng ngày, hãng thông tấn chính thức KCNA và đài truyền hình nhà nước CHDCND Triều Tiên đã ra thông báo ngắn gọn về vụ phóng thất bại.
KCNA thông báo, các chuyên gia đang nỗ lực tìm hiểu về nguyên nhân khiến “vệ tinh không thể đưa lên quỹ đạo”.
Trong khi đó, giới chuyên gia Nhật Bản đã rào rào đưa ra những giả thuyết. Theo họ, có thể đã xảy ra sự cố khi tên lửa bay theo phương thẳng đứng trước khi tầng đầu tiên của nó bị tách ra. Phán đoán này được đưa ra sau khi Nhật Bản nhận được thông tin rằng, những đám lửa “lớn hơn bình thường” đã được quan sát thấy trong vụ phóng vệ tinh của CHDCND Triều Tiên.
Ngoài ra, khả năng về rò rỉ nhiên liệu, nổ trong động cơ tên lửa, sự cố kỹ thuật trong quá trình tầng một của tên lửa tách ra, cũng như các vấn đề liên quan tới bệ phóng mới đã được đề cập tới.
Có mặt trên biển Hoàng Hải, trực thăng, tàu chiến, tàu thủy quét lôi của Mỹ và Hàn Quốc đang “sục sạo” mảnh vỡ tên lửa của Triều Tiên, nhằm xác định nguyên nhân khiến vụ phóng thất bại, cũng như tìm hiểu về công nghệ tên lửa của nước này.
Vụ phóng thất bại của Bình Nhưỡng diễn ra đúng vào thứ Sáu, ngày 13. Tất nhiên, đây chỉ là ngày thiếu may mắn theo quan niệm của phương Tây, nhưng cũng không ít người “lăn tăn” tự hỏi: Phải chăng Bình Nhưỡng bị ngày này “ám quẻ”?
Thu Thảo