Kết thúc quý I, chỉ số hàng tồn kho ngành công nghiệp chế biến tăng cao đột biến, cho thấy sức mua của người dân đang giảm mạnh. Điều này cảnh báo gì, thưa ông?
- Cảnh báo doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn, doanh nghiệp sản xuất ra hàng hóa nhưng không bán được vì đầu ra tắc nghẽn. Trong khi đó nợ ngân hàng rất nhiều. Các doanh nghiệp sẽ không tiếp tục sản xuất vì chưa giải quyết được hàng tồn kho. Nền kinh tế sẽ không phát triển được, thách thức lớn tới vấn đề an sinh xã hội.
Với lượng hàng tồn kho đang rất lớn hiện nay, nhiều ý kiến cho rằng ngoài các chính sách hỗ trợ khuyến khích sản xuất thì cũng rất cần phải kích cầu tiêu dùng để giải phóng lượng hàng tồn kho này. Ý kiến của ông về vấn đề này ?
- Nhiều ý kiến đã cho rằng phát triển thị trường nội địa là một giải pháp tốt khi tình hình xuất khẩu gặp khó khăn nên phải tăng sức mua trong nước để bù vào. Với tình hình hiện nay, chúng ta cần phải sớm xác định rõ ràng, cụ thể hàng tồn kho là những mặt hàng gì, phải biết rõ mặt hàng thuộc thị trường xuất khẩu hay hàng hóa cung cấp cho thị trường nội địa, hay là trang thiết bị, hàng hóa nguyên liệu… thì chúng ta mới có thể bàn tới giải pháp để tiêu thụ nó.
Một trong những giải pháp để giải quyết hàng tồn kho thì giải pháp nhanh và hiệu quả nhất là kích cầu tiêu dùng. Tuy nhiên, ai cũng hiểu muốn kích cầu tiêu dùng thì phải nâng cao nhu cầu, giải quyết bài toán thu nhập cho toàn xã hội. Mục tiêu này xem ra không phải dễ để thực hiện, thưa ông?
- Nói như vậy thì đúng, nhưng chưa đủ. Tôi cho rằng chúng ta phải giải quyết vấn đề thu nhập cho những người “hiện đang không có một đồng xu lương nào hết” chứ không phải là bài toán nâng cao thu nhập cho người tiêu dùng nói chung. Phải xem xét tới số người bị sa thải khỏi các doanh nghiệp do quy mô sản xuất bị thu hẹp trong thời gian qua. Hiện hàng chục nghìn doanh nghiệp phá sản đã dẫn theo hàng trăm nghìn tới hàng triệu lao động bị thất nghiệp. Như vậy sẽ giảm bao nhiêu số tiền chi tiêu trong nền kinh tế. Đó là vấn đề lớn của chúng ta hiện nay.
Việc Nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp tiêu thụ hàng hóa cũng sẽ giúp đảm bảo việc làm và thu nhập cho người lao động. Ảnh minh họa. |
Không phải tăng lương cho người có lương. Giải quyết thu nhập cho người không có lương mới là vấn đề cấp thiết hiện nay. Phải tạo việc làm cho người ta bằng cách tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động tốt lên. Có nghĩa là giải quyết vấn đề ở “thượng nguồn” chứ không phải câu chuyện ở “hạ nguồn”.
Vậy, theo ông đâu là giải pháp để giải quyết vấn đề tăng sức mua, giúp các doanh nghiệp đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, giải quyết bài toán hàng tồn kho hiện nay?
- Tôi cho rằng kích cầu bằng cách tăng thu nhập cho người lao động thì khó hiệu quả, bởi như vậy sẽ kích thích tới giá cả và lạm phát tăng. Thành ra cần hết sức thận trọng. Không phải cứ “đưa tiền” ra là người tiêu dùng sẽ mua hàng hóa tồn kho cho doanh nghiệp.
Cần phải có sự nghiên cứu cụ thể, sát thực xem hàng tồn kho đó ra sao thì mới có thể đề xuất chính sách tiêu thụ hợp lý, hiệu quả. Mình phải tìm hiểu lý do tại sao các doanh nghiệp không bán được hàng. Khi doanh nghiệp đắp chiếu “ngủ đông” thì phải sa thải lao động, hoặc giảm bớt lao động. Nếu giảm 1 triệu lao động thì có nghĩa là sức mua của xã hội cũng giảm đi bằng từng đó. Và như vậy dễ gây mất ổn định kinh tế vĩ mô, mất an sinh - xã hội.
Gần đây đã có một số chính sách hỗ trợ nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Ông đánh giá thế nào về các giải pháp này và liệu hiệu quả có được như mong muốn?
- Ghi nhận gần đây Chính phủ đã có những chính sách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp thông qua những biểu hiện cụ thể như chính sách lãi suất, thuế... Tuy nhiên, về phía cộng đồng doanh nghiệp cũng như các chuyên gia kinh tế thì những tháo gỡ này vẫn chưa thực sự chạm tới những khó khăn hiện nay của doanh nghiệp. Lãi suất huy động đã giảm nhưng lãi suất cho vay vẫn còn cao. Cho dù lãi suất cho vay đã hạ xuống 17%, 18% thì doanh nghiệp có vay được cũng không sống nổi.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng cạn kiệt sức vay nên có giảm lãi suất doanh nghiệp cũng không có sức để vay. Bởi hiện nay vay ngân hàng đều cần thế chấp sổ đỏ, nhưng hầu hết đều đã đặt tại ngân hàng rồi thì lấy đâu sổ đỏ để thế chấp nữa.
Ngoài ra, những chính sách dãn thuế, giảm thuế vẫn chỉ là bề nổi bởi doanh nghiệp có sống được thì mới đóng thuế, chứ doanh nghiệp đình đốn, phá sản thì lấy đâu ra tiền mà đóng thuế. Do vậy, như trên tôi đã nói, vấn đề đặt ra hiện nay là phải giải quyết vấn đề thượng nguồn của chính sách.
Xin cảm ơn ông!
Phương Hà (thực hiện)