Niềm tự hào của thôn Lộc Hà
Nhà văn Ngô Tất Tố sinh năm 1893 ở làng Lộc Hà, tổng Hội Phụ, phủ Từ Sơn, trước thuộc Bắc Ninh, nay là đất của huyện Đông Anh (Hà Nội). Ông là một trí thức lớn hàng đầu của VN thế kỷ XX, với những tác phẩm văn học và hàng ngàn bài báo vô cùng xuất sắc.
Đại diện NXB Thông tin - Truyền thông và gia đình nhà văn trao tặng sách tại lễ khánh thành. |
Để vinh danh ông- người thường được gọi bằng cái tên thân thương nhưng đầy sự kính trọng: “Ông đầu xứ Tố” do ông đã từng đỗ đầu một kỳ thi hương tại Bắc Ninh vào năm 1915, UBND TP.Hà Nội đã có quyết định gắn biển Di tích cách mạng và kháng chiến cho nhà lưu niệm nhà văn ở thôn Lộc Hà.
Sáng qua, rất đông nhà văn, nhà báo, họ hàng, làng xóm của nhà văn Ngô Tất Tố đã có mặt ở hội trường UBND xã Mai Lâm để tham dự lễ khánh thành tấm biển di tích gắn trên ngôi nhà của ông. Trên tấm biển ghi rõ: “Nơi đây, ông Ngô Tất Tố sinh ra, lớn lên và trở thành nhà văn, nhà báo nổi tiếng. Ông đã cống hiến nhiều tác phẩm văn học, báo chí tiêu biểu, góp phần vào cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, được Nhà nước truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật, đợt I, năm 1996”.
Ông Trịnh Văn Long- một người dân của thôn Lộc Hà xúc động: “Làng chúng tôi tự hào vô cùng vì cụ, người trong làng đi đâu cũng khoe mình là người Lộc Hà, đồng hương với nhà văn Ngô Tất Tố để hưởng chút “thơm lây” từ tên tuổi của cụ. Giờ đây, ngôi nhà tưởng niệm của nhà văn lại được gắn thêm tấm biển Di tích cách mạng kháng chiến thì người dân chúng tôi lại càng thêm vui, con cháu mai sau nhìn thấy mà có thêm niềm tự hào cho quê hương”.
Được biết, để vinh danh nhà văn Ngô Tất Tố, đến nay đã có 7 con đường mang tên ông ở các tỉnh, thành, 2 ngôi trường mang tên ông ở xã Uy Nỗ (Đông Anh, Hà Nội), quận Phú Nhuận (TP.HCM) và Giải thưởng Báo chí Ngô Tất Tố của Hội Nhà báo TP.Hà Nội.
Sự xúc động sâu xa bền vững
Có mặt trong buổi lễ gắn biển di tích để phát biểu về thân thế, sự nghiệp của nhà văn Ngô Tất Tố, GS Phong Lê - nguyên Viện trưởng Viện Văn học cho biết: Ngoài những hình thức vinh danh nhà văn trước đó, lễ gắn biển di tích ở ngôi nhà nơi ông sinh ra lại thêm một lần nữa tôn vinh ông với tư cách một nhà văn và một nhà văn hóa. Có nhiều nhà văn chưa phải là một nhà văn hóa, và ngược lại, nhưng Ngô Tất Tố đã kết hợp được cả hai trong cuộc đời và sự nghiệp của ông mà tiêu biểu nhất là qua tiểu thuyết “Tắt đèn” và tập phóng sự “Việc làng”.
Theo GS Phong Lê, chưa có tác phẩm nào về nông thôn và người nông dân Việt Nam, trong văn học trước 1945 đạt được sự xúc động sâu xa và bền vững như “Tắt đèn”- một bức tranh đời rất sắc nét trên tất cả mọi chân dung và đối thoại, không trừ ai, trong số mấy chục nhân vật có tên hoặc không tên, xoay quanh một hình tượng trung tâm là chị Dậu- người phụ nữ nông thôn đẹp và khiến người ta cảm động vô cùng. “Việc làng” - như một bổ sung cho “bức tranh quê” trong “Tắt đèn”.
Trước 1945, chưa có thiên phóng sự nào cho độc giả biết được nhiều đến thế về bộ mặt nông thôn trong tận chiều sâu những cội rễ của cả hai mặt phong tục và hủ tục, nó tồn tại dai dẳng không chỉ đến thời Ngô Tất Tố viết “Việc làng”, mà cả cho đến hôm nay. Và bởi thế, bên cạnh giá trị văn học, tác phẩm của Ngô Tất Tố còn chứa đựng biết bao giá trị khác, mà các bộ môn khoa học như văn hoá học, xã hội học, phong tục học, dân tộc học cần phải tìm đến như những tài liệu tin cậy.
Hà Thu - Mai An