Rừng măng đắng (còn gọi là vầu) ở An Lạc lớn nhất Lục Yên (1.600ha). Mùa măng đắng bắt đầu từ trước Tết Nguyên đán cho tới đầu tháng 4 năm sau. Măng lên rộ nhất vào thời gian sau Tết.
Có người đặt mua, số măng này sẽ được chở đi ngay. |
Chúng tôi gặp một toán người đang lên núi đào măng đắng. Chị Lương Thị Linh, thôn 6, xã An Lạc cho biết: "Đang vào thời điểm măng mọc rộ, mỗi ngày mỗi người đào được 15-20 cân, được gần 200.000 đồng. Đào măng là thu nhập cao nhất".
Ông Lương Văn Ngụy-Phó Chủ tịch UBND xã An Lạc cho biết, An Lạc có hơn 80% là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, 35% số hộ thuộc diện nghèo. Ruộng ít nên người dân nơi đây chủ yếu sống dựa vào rừng. Đến mùa măng là cả nhà lại kéo nhau lên rừng đào măng.
Theo ông Ngụy, đào măng là tàn phá rừng. Để đào được măng, họ phải xới tung diện tích đất rất lớn, cứ nơi nào có vầu mọc, nơi nào có măng là bà con thi nhau đào, kể cả những cây măng chưa nhô lên khỏi mặt đất, vì vậy rất nhiều cây khác bị chặt hạ, thậm chí vầu cũng bị bật rễ mà chết.
“Chúng tôi cấm bà con, nhưng do rừng An Lạc giáp ranh với rất nhiều xã, nên không chỉ người dân trong xã, mà các xã liền kề cũng thi nhau vào rừng đào măng. Rừng rộng, lực lượng quản lý mỏng nên công tác quản lý vô cùng khó khăn"-ông Ngụy cho biết.
Trong vai một người buôn măng, tôi gặp hàng chục con buôn là người dân địa phương trên đoạn km 68 đến km 70 của QL 70. Khi được hỏi, làm sao có thể vận chuyển măng qua được các trạm kiểm soát, chị Nguyễn Thị Huyền - một người chuyên buôn măng tại km70 cho biết: "Tuy chính quyền làm rất ngặt, nhưng có khách, tôi sẽ cho người chở hàng ra tận ngã ba Khánh Hòa vào ban đêm, đảm bảo an toàn tuyệt đối. Luật lá, chúng tôi lo".
Chị Huyền dẫn chúng tôi vào trong nhà chỉ mấy tải măng đã đóng gọn để đêm chuyển đi... Và cứ thế, mỗi ngày có hàng tấn măng ở Lục Yên bị triệt hạ.
Triệu Văn