Gia tăng xuất khẩu
Triển lãm thiết bị cảnh sát ở TQ năm 2010 |
Với mức tăng 162% trong 5 năm từ 2008-2012, thị phần xuất khẩu vũ khí toàn cầu của TQ tăng lên 5%, từ mức 2% của giai đoạn 5 năm trước đó. Điều này có nghĩa TQ đã nhảy được 3 bậc từ hạng 8 lên hạng 5. Khách hàng lớn nhất của TQ trong ngành công nghiệp hàng tỷ USD này là Pakistan, nước nhập 55% vũ khí xuất khẩu của TQ. Tiếp đó là Myanmar với 8% và Bangladesh với 7%, theo số liệu của Viện Nghiên cứu hòa bình Stockholm SIPRI.
Paul Holtom, Giám đốc Chương trình trao đổi vũ khí của SIPRI, cho biết: “Sự thăng hạng của TQ chủ yếu đến từ nhu cầu nhập khẩu vũ khí lớn của Pakistan. Tuy nhiên, những giao dịch gần đây cũng cho thấy TQ đang ngày càng trở thành nhà cung cấp lớn đối với ngày càng nhiều quốc gia quan trọng”. Những giao dịch này bao gồm việc bán 3 tàu khu trục cho Algeria, 8 máy bay vận tải cho Venezuela và 54 xe tăng cho Morocco, theo SIPRI.
Mỹ vẫn là nhà xuất khẩu vũ khí lớn nhất thế giới trong giai đoạn 5 năm 2008-2012, chiếm 30% thị phần toàn cầu, kế đó là Nga với 26%, Đức với 7% và Pháp với 6%. Sự vươn lên của TQ đã đẩy Anh rơi khỏi bảng top 5 lần đầu tiên kể từ năm 1950, khi SIPRI bắt đầu công bố các xếp hạng. Nay Anh xếp thứ 6.
Vì bị các nước phương Tây cấm nhập khẩu vũ khí theo sau vụ Thiên An Môn năm 1989, TQ chỉ còn cách dựa vào vũ khí tự sản xuất hoặc nhập từ các nước đồng minh truyền thống, đặc biệt Nga, để đối phó với sức ép quân sự từ Đài Loan vốn được Mỹ “đỡ đầu” về vũ khí và kỹ thuật quân sự. Đặc biệt gần đây, Bắc Kinh đã bị các nước Đông Nam Á và Nhật Bản chỉ trích mạnh mẽ về những tham vọng đối với các vùng biển đảo tranh chấp ở biển Đông và Hoa Đông.
Tên lửa QW-1M, một mặt hàng xuất khẩu phổ biến của TQ sang Trung Đông, trong một triển lãm quốc phòng ở TQ. |
Củng cố quốc phòng
Hiện là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và có một kho dự trữ ngoại tệ lớn nhất thế giới, TQ có thừa tài lực để phát triển ngành công nghiệp vũ khí. Ở kỳ họp quốc hội mới đây, các nhà lãnh đạo mới của TQ đã thông qua việc gia tăng chi tiêu ngân sách cho quốc phòng. Theo Tân Hoa xã, ngân sách quốc phòng TQ năm nay sẽ tăng lên 10,7% tức 720,2 tỷ tệ (115,7 tỷ USD).
Theo ước tính của nhà tư vấn quốc phòng toàn cầu IHS Jane, đến năm 2015, ngân sách quốc phòng TQ sẽ tăng hơn gấp đôi so với năm 2011 lên mức xấp xỉ 240 tỷ USD, tức tăng bình quân 19% mỗi năm. Theo IHS, vào năm 2015, ngân sách quân sự của TQ sẽ gần gấp 4 lần của Nhật Bản – nước chi tiêu quốc phòng nhiều thứ hai ở khu vực, và cũng cao hơn tổng chi tiêu quân sự của 12 quốc gia kế tiếp gộp lại.
Giải thích cho chiến lược này, thiếu tướng Dương Nghị, nguyên Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược thuộc Đại học Quốc phòng TQ, nói: “30 năm trước đây, quốc phòng TQ luôn nhường bước cho phát triển kinh tế, điều này rõ ràng là mất cân bằng. Bước sang thế kỷ mới, sức mạnh tổng hợp tăng mạnh, TQ trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Giờ đây TQ có điều kiện bù đắp lại món nợ của lịch sử”.
Súng phòng không của TQ tại Bảo tàng Không quân TQ ở Bắc Kinh |
Theo các nhà phân tích, do mới lên nắm quyền với gánh nặng phải nhanh chóng củng cố quyền lực trong giai đoạn cực kỳ nhạy cảm của chính trị nội bộ TQ, tân Tổng bí thư và Chủ tịch nước Tập Cận Bình rất muốn tranh thủ sự ủng hộ của quân đội, lực lượng có ảnh hưởng chính trị rất lớn ở trong nước hiện nay, nên quyết định gia tăng ngân sách quốc phòng để “lấy lòng” lực lượng này. Ngoài ra, giáo sư Andrew Erickson thuộc Đại học Chiến tranh hải quân Mỹ cho rằng thông qua tăng ngân sách quốc phòng, TQ muốn khẳng định vai trò của mình đối với khu vực và trên toàn cầu.
Ngành công nghiệp hốt bạc
Tính theo thang giá trị SIPRI Trend Indicator Value lấy thời giá 1990 làm chuẩn, năm 2008 Mỹ thu được 6,46 tỷ USD từ việc xuất khẩu vũ khí. Doanh thu buôn bán vũ khí không ngừng tăng lên bất chấp xảy ra các cuộc khủng hoảng tài chính hay suy thoái kinh tế toàn cầu và đã đạt 10 tỷ USD vào năm 2011. Tính chung giai đoạn 2008-2012, kim ngạch xuất khẩu vũ khí của Mỹ lên tới 31,21 tỷ USD. Đối thủ Nga về nhì với 25 tỷ USD.
Cách khá xa, xếp ở vị trí thứ 3 là Đức với 8,56 tỷ USD, kế đó là Pháp 4,3 tỷ USD, TQ 4,3 tỷ USD, Anh 4,2 tỷ USD. Nếu xem xét theo tốc độ tăng trưởng phần trăm thì TQ nổi lên như một hiện tượng khi xuất khẩu nhảy vọt từ 593 triệu USD năm 2008 lên 1,01 tỷ USD năm 2009 và bắt đầu nhỉnh hơn Anh vào năm 2010 với 1,33 tỷ USD.
Về phía nhập khẩu vũ khí giai đoạn 2008-2011, các quốc gia châu Á chi tiêu mạnh tay nhất. Ấn Độ đứng đầu với 10,4 tỷ USD, thứ nhì là Pakistan 6,3 tỷ USD, phần nào biểu hiện mối quan hệ nhiều gút mắc giữa 2 quốc gia láng giềng sở hữu vũ khí hạt nhân.
Một tay súng nổi dậy Syria đang vác khẩu FN-6, một loại vũ khí của TQ |
Các nước Đông Á Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản xếp thứ 2 - 4 và 20 với giá trị nhập khẩu lần lượt là 5,3 tỷ USD, 4,56 tỷ USD và 1,66 tỷ USD. Trong khối ASEAN, Singapore nhập khẩu vũ khí nhiều nhất, giá trị nhập khẩu 4,7 tỷ USD, Malaysia đứng nhì với 2,5 tỷ USD. Mỹ tuy là nước xuất khẩu số 1 thế giới nhưng đồng thời cũng nhập khẩu không ít, xếp thứ 8 với 3,65 tỷ USD.
Doanh thu buôn bán vũ khí và các dịch vụ quân sự của 100 tập đoàn vũ khí lớn nhất đã đạt tới 411,1 tỷ USD trong năm 2010 và doanh thu tính theo giá trị thực đã tăng vọt 60% trong giai đoạn 2002-2010. Trong đó, 44 công ty có trụ sở tại Mỹ chiếm hơn 60% doanh thu và 30 công ty có trụ sở tại Tây Âu chiếm hơn 29%.
Qua Top 100, có thể thấy sự tập trung hóa cao độ trong ngành công nghiệp vũ khí toàn cầu, với 56% tổng doanh thu (230 tỷ USD) nằm trong tay 10 tập đoàn lớn nhất. Những gã khổng lồ ngành công nghiệp vũ khí đã chứng tỏ khả năng xoay xở cực giỏi để làm ăn phát đạt bất chấp cuộc khủng hoảng tài chính hiện đang ảnh hưởng đến các ngành công nghiệp khác. Lấy ví dụ, Tập đoàn Oshkosh đã tăng 156% doanh số bán vũ khí trong năm 2010 sau khi giành được hợp đồng M-ATV.