Dân Việt

Thủ tướng Đức: “Tôi có 1/4 máu Ba Lan”

23/03/2013 13:51 GMT+7
(Dân Việt) - Đức và Ba Lan thường hận nhau vì những cuộc chiến tranh trước kia, nhưng việc phát hiện việc nữ Thủ tướng Đức Angela Merkel có nguồn cội Ba Lan khiến mối quan hệ song phương càng được cải thiện.

Một cuốn sách biên khảo mới về nữ Thủ tướng Đức Angela Merkel vừa xuất bản xác nhận câu bà từng nói: “Tôi có 1/4 máu Ba Lan trong người”, và ông nội của bà sinh ở Poznan (Ba Lan).

img
Bà Merkel cạnh ông Tusk khi dự lễ tưởng niệm cuộc nổi loạn ở Warsaw

Ông nội là con ngoại hôn

Theo tác giả Stefan Cornelius, ông Ludwig Kazmierczak sinh năm 1896 và lớn lên ở thành phố Poznan, nơi mà theo dòng lịch sử thì có lúc nó thuộc về Phổ (Đức cũ) khi lại thuộc Ba Lan. Cuốn sách Angela Merkel, vị Thủ tướng và thế giới của bà còn gợi ý rằng ông Kazmierczak là một đứa con ngoại hôn của bà Anna Kazmierczak có với ông Wojciechowski. Bà mẹ lấy tên họ của bà để đặt họ cho con trai và sau đó bà lấy chồng là Ludwig Rychlicki, sống ở Poznan, nơi sẽ gián tiếp đóng góp cho Đức một vị lãnh đạo nữ là bà Merkel.

Poznan thuộc đế chế Đông Phổ cho đến khi thua trận Thế chiến 1, và Hòa ước Versailles ký năm 1919 quyết định trả Poznan cho Ba Lan. Tác giả cuốn sách trên đã tìm được một số tài liệu lưu trữ ở Poznan cho biết Ludwig Marian Kazmierczak 19 tuổi đăng ký đi lính Phổ năm 1915, sau đó không có thông tin anh trở về thành phố này.

Thật ra Kazmierczak đã chuyển đến Berlin, nơi ông gặp bà Margarethe và lấy làm vợ. Cũng là nơi bố Horst của bà Merkel chào đời năm 1926 và cũng mang họ Kazmierczak, nên lẽ ra bà Merkel cũng mang họ này. Nhưng vào năm 1930, ông nội của bà chuyển họ này sang tiếng Đức thành Kasner. Ông có hai em trai và em gái cùng mẹ khác cha, và hiện có một người cháu là Zygmunt Rychlicki sống ở Poznan.

Ngay sau khi bà Merkel chào đời ngày 17.7.1954, cha mẹ bà dọn đến Templin (phía bắc Berlin) để cha của bà hành nghề mục sư. Cô Angela Kasner từng tham gia đoàn thanh niên, học tiếng Nga và 15 tuổi đoạt giải nhất Olympic tiếng Nga. Một bạn học cũ kể Angela chỉ thích tranh luận khoa học với các thầy cô và ông chưa bao giờ thấy Angela có bạn trai.

Sau này Angela đến Leipzig để theo môn vật lý rồi lên Berlin làm việc tại Viện hàn lâm Khoa học. Bà mang họ Kasner cho đến khi lấy chồng lần thứ nhất là Ulrich Merkel hồi năm 1977. Cuộc hôn nhân của ông bà được 7 năm rồi ly dị năm 1982, nhưng bà vẫn giữ tên họ của chồng cho đến cả sau lần lập gia đình lần thứ hai năm 1998, với giáo sư hóa học Joachim Sauer. Với hai đời chồng, bà đều không có con.

Sau khi sách xuất bản, người phát ngôn của bà Merkel xác nhận gốc Ba Lan của gia đình bà. Trước đây không ai biết tên họ gốc của bố bà, và bà chỉ nói mỗi một lần về người cha Ba Lan: hồi năm 1995, khi bà dự một sự kiện tại nhà thờ nọ ở Hamburg, nơi bà chào đời năm 1954. Năm 2000, bà nói với báo Spiegel: “Tôi có 1/4 máu Ba Lan” nhưng không nói gì thêm.

img
Bà Merkel xem trận bóng đá EURO 2012 giữa hai đội tuyển Đức-Hy Lạp tại Ba Lan. Ông Tusk ở hàng ghế trước (giữa)

“Cửa hàng bách hóa không còn trứng”

Phát hiện về nguồn gốc Ba Lan của bà Merkel được nhận định sẽ là một niềm cảm hứng để cải thiện mối quan hệ Đức-Ba Lan. Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk viết Twitter kể khi dự hội nghị thượng đỉnh EU thứ năm tuần qua, rằng bà Merkel phải mất hai lần mới có thể đọc chuẩn tên họ Kazmierczak của ông nội của bà. Ông cho biết bà nhờ ông cách đọc sao cho đúng: “Lần thứ hai thì hết chê”.

Giới truyền thông Ba Lan gọi thông tin về cội rễ của bà Merkel là một niềm cảm hứng. Tờ Gazeta Wyborcza trung tả viết: “Cuối cùng chúng ta đã biết vì sao Angela Merkel nói chuyện rất có thiện cảm về Ba Lan” và chạy tít: “Angela Merkel, cháu gái của Poznan, thật đấy!” Báo Rzeczpostpolita nhắc mối quan hệ đặc biệt của bà với Ba Lan vượt trên cội rễ gia đình: lúc còn trẻ sống ở Đông Đức (cũ) hồi những năm 1970, bà từng du lịch qua Ba Lan.

Và khi học ngành vật lý ở đại học, bà từng đi du lịch bụi bằng xe đạp khắp vùng Masuria (bắc Ba Lan). Khi được hỏi liệu bà còn nhớ về những chuyến đi ấy, bà Merkel trả lời ngay bằng tiếng Ba Lan: “Niema jajek!” (Hết cạn trứng). Nhà báo Piotr Jendroszczyk cho biết bà đọc được chữ này trên một tờ giấy dán ở trước một cửa hàng bách hóa tổng hợp gần thành phố Mragowo: thời ấy là thời bao cấp nên ít có trứng.

Bà Merkel còn có những kỷ niệm khác về Ba Lan. Ví dụ huy hiệu Solidarnosc (Đoàn kết) bà được tặng làm quà lưu niệm nhân chuyến du lịch đã bị hải quan thu hồi khi bà trở về Đông Đức. Hoặc một tấm bưu thiếp (chụp Tượng đài Gdanks tôn vinh các công nhân đóng tàu chết vì bị đàn áp năm 1970) cũng khiến bà Merkel bị hải quân Đông Đức “sinh hoạt”.

Mùa hè 1989, vài tháng trước khi bức tường Berlin sụp đổ (mở đường cho việc nước Đức thống nhất hai miền Đông-Tây năm 1990) bà Merkel 35 tuổi - cắt tóc ngắn - lại qua Ba Lan với người chồng hiện nay (giáo sư Ulrich Sauer). Những người Ba Lan quen bà vẫn nhớ một đêm lửa trại mà mọi người hát những ca khúc Nga.

Ngày 9.11.1989 là lúc bức tường Berlin sụp đổ. Khi ấy bà Merkel giữ đúng lịch sinh hoạt: cùng một bạn gái đi tắm hơi sau giờ tan sở vào thứ năm hằng tuần. Sau đó, bà cùng người bạn đi uống một cốc bia, rồi đến khuya mới hòa vào đoàn người đi qua phía tây Berlin.

Ở đó bà được gia đình nọ mời về nhà liên hoan bằng vài lon bia và mọi người đều vui. Bà kể năm 1989, mỗi người Đông Đức được phát 100 mark làm “liên hoan phí” mừng đất nước thống nhất và họ đều mua hàng Tây Đức.

Bà Merkel từng thừa nhận vẫn tích trữ những món ăn thời bà từng ở Đông Đức, dù đã hơn 30 năm sau ngày hai miền Đông-Tây thống nhất (ngày 3-10-1990). Bà kể vẫn giặt quần áo bằng xà bông nước, ăn món canh Soljanka (xúc xích pha với nước giấm)... và bà không thể cưỡng được “sự cám dỗ” mua hàng tích trữ ở siêu thị, chỉ vì bà trông thấy món hàng dù đó là sản phẩm bà chưa cần.

Bà bảo thói quen tích trữ đã hằn sâu trong tâm trí vì trong thời cũ khan hiếm hàng hóa nên “cứ mua được càng nhiều thứ càng tốt”. Bà nói phải mất một thời gian dài mới quen nói những chữ người Tây Đức cũ nói, ví dụ phải mất 16 năm sau ngày thống nhất 2 miền, bà mới dễ dàng nói chữ “siêu thị”, vì trước kia ở Đông Đức gọi nơi mua bán này là “cửa hàng bách hóa tổng hợp”.

Tình bạn Merkel-Tusk

Bà Merkel cũng có những kỷ niệm đẹp với các chính khách Ba Lan. Nó giúp bà lập được quan hệ hữu hảo với cố Tổng thống Lech Kaczynski (tử nạn vì máy bay rơi ở Smolensk năm 2011). “Quý bà thân thiện đến từ Berlin” đã thuyết phục được ông Kacyznski bướng bỉnh hủy ý định không thông qua Hiệp ước Lisbon.

Nhưng người em sinh đôi Jaroslav của vị cố TT chẳng ngại thể hiện cảm xúc bài Đức trong kỳ bầu cử năm 2011: ông viết một cuốn sách, trong đó nêu bà Merkel và các chính khách Đức cùng thế hệ với bà đều bí mật hợp tác với Nga, nhằm tái lập Đức thành “một đế chế cùng trục chiến lược với Moscow” nhằm tìm cách “chinh phục Ba Lan”.

Hiện Jaroslav Kaczynski không thể liên quan mối quan hệ Ba Lan vốn “ấm lên” từ nhiều năm qua. Mối quan hệ song phương được cải thiện phần lớn nhờ công lao đóng góp của hai vị thủ tướng Merkel-Tusk. Nhiều nhà quan sát nhận xét đó là một tình bạn thật sự và ông cũng gọi bà là “Angela thân” và bà gọi ông là “Donald thân”.

Thủ tướng Tusk từng nói với báo Spiegel bằng tiếng Đức chuẩn: “Tôi không thể nổi cáu với Angela Merkel”. Lúc ấy, EU đang căng thẳng trước khả năng có 2 châu Âu, một phát triển nhanh, một bị bỏ rơi lại phía sau gồm Ba Lan.

Mới đây, hai vị chính khách dự lễ khai trương một hội chợ thương mại điện tử ở Hannover (Đức). Mối quan hệ làm việc chặt chẽ của họ đã hình thành từ những năm mà mỗi người đều là chính khách đối lập ở đất nước của họ. Ngày 16-8-2005, trước khi bà Merkel trở thành thủ tướng, bà cùng ông Tusk đi viếng Tượng đài cuộc nổi loạn ở Warsaw. Ông Tusk kể bà Merkel thật sự bàng hoàng ở nơi tưởng niệm những người Ba Lan bị phát xít Đức đàn áp.

Chính những cảm xúc chân thành của bà khiến người Ba Lan dành thiện cảm cho bà Merkel. Một thăm dò hồi cuối năm 2012 cho biết: lần thứ ba liên tiếp bà được đánh giá là chính khách nước ngoài dễ gây thiện cảm nhất, trên cả Tổng thống Mỹ Barack Obama.

Theo Thế giới & Hội nhập