Dân Việt

Tiếp tục tìm kiếm lễ phục

18/04/2013 08:36 GMT+7
(Dân Việt) - Chiếc áo dài vẫn là đề tài chính trong các tham luận tại Hội thảo “Lễ phục nhà nước” diễn ra sáng 17.4 tại TP.HCM với sự có mặt của các lãnh đạo, các cơ quan ban ngành nhà nước.

Lấy Hàn Quốc làm ví dụ điển hình về văn hóa lễ phục của đất nước, PGS - TS Nguyễn Xuân Tiên - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Mỹ thuật chia sẻ: Việc phải có lễ phục riêng cho đất nước nói chung và con người Việt Nam nói riêng là điều cấp thiết mặc dù biết rằng sẽ gặp nhiều khó khăn trong bối cảnh hiện nay.

img
Chiếc áo dài đã nhận được sự đồng thuận cao khi lấy ý kiến về lễ phục.

Hàng chục năm nay, áo dài vốn được coi là biểu tượng trang phục đậm đà bản sắc dân tộc Việt Nam dành cho phái nữ nên nhận rất nhiều đồng thuận, ý kiến được truyền tải trong các bài tham luận của các cá nhân có mặt tại hội thảo. Tuy nhiên, trang phục của nam giới như thế nào cho phù hợp, không chỉ vậy, trang phục nào để dành cho văn hóa lễ hội và dành cho các lãnh đạo, chính khách với những buổi làm việc mang tính quốc tế cũng là vấn đề nhiều người quan tâm.

PGS - TS Phan Thị Thu Hiền - Trường ĐH KHXH&NV, ĐH Quốc gia TP.HCM cho biết: “Tìm kiếm lễ phục Việt Nam không chỉ là vấn đề về chi tiết thiết kế, sản xuất trang phục mà thực sự phải là xây dựng một văn hóa lễ phục trên cơ sở văn hóa truyền thống trong bối cảnh hội nhập toàn cầu”.

Ý kiến của bà Thu Hiền đưa ra chính xác hơn bao giờ hết khi nhắc đến văn hóa trước mắt đó phải là sự ý thức, nhận thức của bản thân và thể hiện nó trong không gian, thời gian phù hợp. Lễ phục nam và nữ phải đều có sự nhất quán với nhau dựa trên các yếu tố thoải mái, phù hợp, đúng đắn, sâu sắc giữ được vai trò là lễ phục văn hóa dân tộc.

TS Đoàn Thị Kim Hồng (Công ty cổ phần CIAT) cũng hy vọng: “Lựa chọn quốc phục riêng cho đất nước là điều mà tôi mong chờ đã rất lâu vì chiếc áo dài vốn đã được coi là di sản phi vật thể và là niềm tự hào của không biết bao nhiêu phụ nữ Việt Nam. Nam giới cũng có sự bình đẳng khi diện lên chiếc áo dài, khăn đóng trong các lễ hội văn hóa. Chúng ta vừa có thể bảo tồn mà còn phát huy được bản sắc dân tộc mình một cách tốt nhất cho các thế hệ sau”.

Các đại biểu cũng nêu ra những nỗi lo về trang phục được kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, làm như thế nào để có thể đạt được sự đồng thuận của toàn dân, nhất là cả trong và ngoài nước đều tự hào và nhận ra khi diện quốc phục Việt Nam. Xây dựng và quảng bá lễ phục như thế nào cũng là điều quan trọng vì mọi thứ chỉ có thể thành công nếu như dựa trên sự mong muốn, mối quan tâm của cả dân tộc chứ không phải chỉ dành riêng cho các nguyên thủ quốc gia, các nhà lãnh đạo.