Từ nhiều năm nay, các cấp chính quyền ở Gia Lai đã phối hợp chặt chẽ với ngành chức năng, thực hiện nhiều biện pháp nhằm bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá các lễ hội của 2 tộc người này. Một trong những lễ hội lớn nhất và có ý nghĩa nhất là lễ hội đâm trâu (ăn trâu). Lễ hội này thường diễn ra vào cuối năm (khoảng tháng 2 -3 dương lịch) mà đồng bào gọi là tháng "ning nong".
Nhiều lễ hội của người Ba Na và J'rai đã được bảo tồn. |
Đây là khoảng thời gian kết thúc mùa vụ sản xuất và nghỉ ngơi, nên diễn ra nhiều lễ hội lớn có sính trâu được diễn ra như lễ bỏ mả (Pơthi của người J'rai), lễ tạ ơn Thần Sức khoẻ (Mơpú của người J'rai), lễ đón năm mới (Sơmah Kơcham của người Ba Na)... Ngoài ra, còn có các lễ hội khác liên quan đến cộng đồng nhưng ở quy mô nhỏ hơn, cũng đã được bảo tồn và phát huy giá trị, như lễ thổi tai, lễ cúng bến nước, lễ cầu mưa...
Tỉnh cũng đã tiến hành nghiên cứu và phục dựng một số các lễ hội độc đáo ở những vùng có nguy cơ mai một, nhằm bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá của các tộc người trên địa bàn. Năm 2007, Gia Lai đã phối hợp với Vụ Văn hoá dân tộc và Cục Văn hoá cơ sở (Bộ VHTTDL) nghiên cứu phục dựng thành công lễ hội Sơmah Kơchăm (lễ đón năm mới của người Ba Na) ở làng Tơtung 1, xã Ya Ma (huyện Konchoro).
Đây là vùng căn cứ địa cách mạng của tỉnh, sau ngày giải phóng, do đời sống kinh tế còn nhiều khó khăn, nên dân làng không đủ điều kiện để thể hiện lễ hội này hàng năm theo mong muốn. Nay lễ hội được phục dựng, có ý nghĩa thực tiễn rất lớn, mang lại cho đồng bào một không khí lễ hội từng bừng, quy mô như mơ ước từ nhiều năm nay của bà con.
Riêng năm 2009, Gia Lai đã tiến hành phục dựng thành công 2 lễ hội lớn của người Ba Na và J'rai, là lễ mừng cơm mới và lễ cúng Thần Vua lửa. Hai lễ hội này đã được đưa vào "công diễn" tại Festival Cồng chiêng Quốc tế tại Gia Lai, đã để lại nhiều ấn tượng với du khách.
Văn Thông