Theo thống kê của Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (NAFIQAD), thuộc Bộ NNPTNT, trong 2 năm trở lại đây, mặc dù chất lượng nông sản thực phẩm đã từng bước được cải thiện, song tỷ lệ mẫu vi phạm ở một số mặt hàng còn cao, chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường và người tiêu dùng.
Chế biến thực phẩm là khâu yêu cầu cao về đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. |
Cụ thể, năm 2011 tỷ lệ rau quả chứa tồn dư thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) vượt quá giới hạn cho phép là 4,43% (năm 2010 là 8,6%); tỷ lệ mẫu thủy sản nhiễm hóa chất cấm, kháng sinh, hormon vượt quá giới hạn cho phép 1,38% (năm 2010 là 4,3%); tỷ lệ mẫu thị nhiễm hóa chất cấm, kháng sinh vượt quá giới hạn cho phép là 0,36% (năm 2010 là 1,19%).
Theo ông Nguyễn Văn Thuận – Trưởng phòng chất lượng 2, của NAFIQAD cho biết: “Nguyên nhân của tình trạng mất ATVSTP đối với nông lâm thủy sản hiện nay có rất nhiều, bắt nguồn chủ yếu từ khâu sản xuất tới tiêu thụ. Nhiều nông dân còn lạm dụng thuốc BVTV, bón phân không đúng cách dẫn tới sản phẩm rau, củ, quả không đảm bảo chất lượng. Bên cạnh đó, điều kiện nhà xưởng, chế biến bảo quản sản phẩm cũng chưa đảm bảo. Đặc biệt, vì mục tiêu lợi nhuận, không ít nông dân lạm dụng hóa chất độc hại trong bảo quản sản phẩm”.
Trước thực tế trên, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Thị Xuân Thu cho biết: “Bộ NNPTNT được giao quản lý ATVSTP trong suốt quá trình sản xuất, thu gom, giết mổ, sơ chế, chế biến, bảo quản, vận chyển, xuất khẩu, nhập khẩu kinh doanh với ngũ cốc (rau, củ, quả và sản phẩm rau củ quả), thịt và các sản phẩm từ thịt, trứng và các sản phẩm từ trứng, sữa tươi nguyên liệu... Do đó, chúng tôi đang triển khai thực hiện yêu cầu “3 không” để đảm bảo chất lượng ATVSTP tốt hơn”.
Ông Nguyễn Văn Thuận cho rằng: “Vấn đề quan trọng nhất hiện nay là phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân dần dần hiểu được mục tiêu “3 không”. Trong đó, quan trọng nhất vẫn chính là bản thân người sản xuất, chế biến kinh doanh thực phẩm cần đặt vấn đề đạo đức nghề nghiệp lên hàng đầu trước khi đưa sản phẩm ra thị trường”.
Còn theo bà Nguyễn Thị Tuyết Mai - Trưởng ban Gia đình xã hội (Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam), để hạn chế tình trạng mất ATVSTP trong sản xuất, chế biến nông lâm thủy sản, ngoài việc siết chặt khâu quản lý từ phía các cơ quan nhà nước, cần sự chung tay vào cuộc của tất cả các tổ chức, đoàn thể và người dân.
Trong đó, Hội Phụ nữ có vai trò đặc biệt quan trọng, bởi 70% dân số sống ở nông thôn và phụ nữ nông thôn là lực lượng chính sản xuất ra thực phẩm. Đồng quan điểm này, Thứ trưởng Nguyễn Thị Xuân Thu cho biết: “Trong thời gian tới, chúng ta cần phát động rộng rãi phong trào “3 không” với nòng cốt là lực lượng của các đoàn thể như Hội Nông dân, Hội Phụ nữ…”.
Thanh Xuân