Dân Việt

Nước mắm Nha Trang cam phận “làm thuê”

24/04/2012 06:04 GMT+7
(Dân Việt) - Có uy tín, có hiệp hội, có thương hiệu hẳn hoi, nhưng hiện 90% sản lượng nước mắm Nha Trang là nguyên liệu cho một thương hiệu nước mắm khác...

Tan tành tham vọng

Năm 2006, Hiệp hội Nước mắm Nha Trang (HHNM Nha Trang) được thành lập với 29 thành viên, do Giám đốc Công ty cổ phần Thủy sản 584 làm chủ tịch. Công ty này áp dụng các phương pháp sản xuất cổ truyền đã tạo ra những sản phẩm nước mắm đoạt nhiều giải thưởng uy tín như Hàng Việt Nam chất lượng cao, Giải thưởng Thương hiệu Vàng chất lượng.

img
Nước mắm Châu Sơn, nước mắm sản xuất theo phương thức cổ truyền ở Nha Trang.

Cuối năm 2006, thương hiệu nước mắm Nha Trang và logo thương hiệu đã được cấp cho chủ sở hữu là HHNM Nha Trang, do ông chủ tịch đứng tên. Những sản phẩm của các thành viên hiệp hội sẽ được sử dụng logo thương hiệu nước mắm Nha Trang, với tham vọng được bảo hộ và quảng bá trên toàn quốc và ra thế giới...

Tuy nhiên, đến nay logo "nước mắm Nha Trang" vẫn ít được biết đến, hiệp hội đứng trên bờ vực giải thể. Logo của thương hiệu nước mắm Nha Trang không còn được sử dụng trên nhiều sản phẩm của một số thành viên cốt cán của hiệp hội.

Ông Nguyễn Hoài Sơn - Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Châu Sơn kiêm Phó Chủ tịch HHNM Nha Trang cho biết: Hiệp hội không có nội lực, kinh phí eo hẹp nên không đủ lực để phát triển, quảng bá thương hiệu.

Còn thạc sĩ Huỳnh Thị Kiều Châu (Phòng Quản lý Công nghệ, Sở Khoa học - Công nghệ Khánh Hòa), cho rằng, việc để cho cá nhân Chủ tịch HHNM Nha Trang, cũng là Giám đốc một nhãn hiệu nước mắm đứng tên đăng ký thương hiệu nước mắm Nha Trang đã gây tâm lý không tin cậy về cân bằng lợi ích giữa các thành viên. Sắp tới, Sở có kế hoạch tham mưu đổi lại tư cách pháp nhân chủ sở hữu thương hiệu giao cho một tổ chức nhà nước có đủ thẩm quyền, đủ khả năng tổ chức quảng bá thương hiệu.

Thân phận làm thuê

Cuối năm 2007, Công ty Liên doanh chế biến thực phẩm VITECFOOD (thương hiệu Chinsu) bắt đầu tiếp cận từng nhà thùng ở Nha Trang hợp đồng thu mua nguyên liệu. Thời gian đầu, họ chơi đẹp, không những thu mua với giá tốt, phương thức bao tiêu sản phẩm mà còn thưởng sản lượng bán ra cho nhà thùng.

Năm 1982, Công ty Viet Huong Fishsauce (Mỹ) đã đăng ký bảo hộ độc quyền nhãn hiệu "Nước mắm Phú Quốc" tại Mỹ. Sau đó, nhãn hiệu này lần lượt được công ty đăng ký bảo hộ độc quyền tại châu Âu, châu Úc, sau đó là Trung Quốc.

Nhiều nhà thùng được nhận thưởng ô tô trị giá vài chục ngàn đôla mỗi năm. Chỉ sau một thời gian ngắn, hầu hết các nhà thùng lớn đều bắt tay làm nước mắm nguyên liệu cho họ. Khi lượng cung dồi dào, Chinsu bắt đầu dựng thêm nhiều rào cản kỹ thuật để ép cấp, ép giá...

"Thấy họ thu lợi quá nhiều từ sản phẩm của mình sau khi pha loãng, đóng chai, phân phối, quảng bá thương hiệu... chúng tôi cũng thấy đắng lòng trước những vất vả của người sản xuất, nhưng đành chịu, khi thương hiệu của mình chưa đủ mạnh..." - ông Sơn nói.

Còn theo ông Trần Trọng Thanh - Giám đốc Marketing Công ty cổ phần Thủy sản 584 Nha Trang, đây là hệ quả của việc xây dựng hiệp hội và phát triển thương hiệu nước mắm Nha Trang chưa hợp với quy luật tự nhiên. Các thành viên tham gia hiệp hội và xây dựng thương hiệu gần như theo mệnh lệnh hành chính nên thiếu nhiệt tâm và thiếu đoàn kết nên không thể phát triển.

Tây Nguyên:Nguy cơ mất nhiều thương hiệu cà phê

Sẽ rất ngạc nhiên nếu biết rằng, chưa một doanh nghiệp nào ở Đăk Lăk từng sử dụng chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột.

Năm ngoái, khi biết chỉ dẫn địa lý (CDĐL) cà phê Buôn Ma Thuột rơi vào tay Guangzhu Coffee Buon Ma Thuot Co.,Ltd (một công ty ở Trung Quốc) thì chính quyền lúng túng, còn các doanh nghiệp cà phê ở Đăk Lăk lại rất bàng quan. Sở dĩ có chuyện này là vì từ trước đến nay, chưa có doanh nghiệp nào ở Đăk Lăk sử dụng, hưởng lợi từ CDĐL này.

Ông Trịnh Đức Minh - Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột - cho biết các doanh nghiệp thành viên đang cố gắng đưa cà phê mang CDĐL Buôn Ma Thuột vào thị trường xuất khẩu. Nhưng cho đến nay, cả 8 doanh nghiệp (nằm trong vùng địa danh, có diện tích cà phê gần 9.000ha và sản lượng 26.000 tấn/năm) được cấp quyền sử dụng CDĐL cà phê Buôn Ma Thuột vẫn... không sử dụng.

Còn UBND tỉnh Đăk Lăk mặc dù được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KHCN) cấp giấy chứng nhận CDĐL cà phê Buôn Ma Thuột là từ năm 2005, nhưng không biết làm gì với nó. Chính quyền tỉnh Đăk Lăk cũng chưa hề đăng ký bảo hộ CDĐL này ở bất kỳ quốc gia nào trên thế giới, kể cả dưới dạng nhãn hiệu thường theo Nghị định thư Madrid (vì thường nên giá đăng ký cũng khá rẻ). Gần 5 năm sau khi đăng ký CDĐL này, UBND tỉnh mới ủy quyền cho Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột quản lý. Tương tự, Công ty Cà phê Đức Lập là doanh nghiệp nhà nước thành lập từ năm 1977, trên cơ sở các đồn điền của người Pháp ở Đức Lập - tên cũ của huyện Đăk Mil, tỉnh Đăk Nông. Vậy mà việc đăng ký thương hiệu cà phê Đức Lập - Đăk Mil lại do Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Minh An thực hiện. Theo quy định của pháp luật, HTX Minh An có quyền chuyển nhượng thương hiệu mà “Đức Lập” hay “Đăk Mil” cũng đều là CDĐL cà phê của địa phương.

Việc mất các thương hiệu cà phê ở Tây Nguyên có một điểm chung là chính quyền địa phương luôn chậm trễ từ đăng ký, sử dụng, bảo vệ đến phát triển thương hiệu, đặc biệt là thương hiệu dưới dạng CDĐL.