Dân Việt

“Bạn lớn” của người dân

22/03/2013 06:44 GMT+7
(Dân Việt) - Nhờ nguồn vốn vay của Ngân hàng NNPTNT- Chi nhánh Quảng Ngãi (Agribank Quảng Ngãi), hàng ngàn hộ dân trong tỉnh đã có điều kiện để đầu tư vào SXKD.

Theo đó không chỉ thoát được nghèo, rất nhiều gia đình đã vươn lên làm giàu.

Cảm ơn cán bộ ngân hàng đã cho “mượn tiền”

Khoảng 3 năm trước, sau khi lập gia đình và ra ở riêng, tài sản mà vợ chồng anh Đinh Văn De (27 tuổi), ở huyện Sơn Hà được cha mẹ chia cho là 2 đám rẫy, với diện tích chưa đến 1.000m2 để trồng lúa, hoa màu và khoảng 1ha đất rừng. Mặc dù quanh năm suốt tháng làm việc cật lực thế nhưng vẫn không đủ ăn.

Từ khi được cán bộ Ngân hàng NNPTNT ở huyện cho “mượn” 20 triệu đồng, anh De đã đầu tư trồng cây keo lai và mua phân, thuốc để bón, bảo vệ cho hoa màu. Nhờ đó cuộc sống của vợ chồng anh đã dần khấm khá. Không chỉ đủ ăn, trả hết nợ, mà giờ anh chị còn có tiền nuôi thêm đàn lợn gần 10 con.

img
Nhờ vốn vay từ Agribank Quảng Ngãi, người dân miền núi của tỉnh đầu tư trồng trọt, chăn nuôi để phát triển kinh tế.

Khác với anh De, sau nhiều năm xuống đồng bằng làm thuê, ngoài số tiền công mang về để giúp gia đình, anh Phạm Văn Huê (34 tuổi), ở huyện Ba Tơ còn học hỏi được cách ươm cây keo giống. Thế nhưng vì nhà quá nghèo nên không có tiền để làm theo. Cho đến cách đây 3 năm, nghe ngân hàng nông nghiệp huyện thông báo cho hộ nghèo vay tiền, anh Huê liền ra xã nhờ cán bộ hướng dẫn làm hồ sơ và vay được 15 triệu đồng. Đem toàn bộ số tiền vay được, anh mua giống, phân... về để làm vườn ươm. Đến nay, ngoài trả hết nợ cho ngân hàng, anh Huê còn lãi hơn 12 triệu đồng/năm từ nghề mới này.

Giúp ngư dân vươn ra biển lớn

Tuy khiêm tốn nhận kinh tế của gia đình hiện chỉ thuộc hàng “có dư chút chút”, thế nhưng chỉ tính riêng tài sản trên biển gồm: 2 chiếc tàu có công suất 420CV/chiếc và hiện 1 chiếc có công suất tương tự đang đóng gần hoàn thành, với tổng trị giá ước trên 6 tỷ đồng, cựu lão ngư Đỗ Hồng Phước (60 tuổi) ở thôn Phổ An, xã Nghĩa An, huyện Tư Nghĩa được người dân địa phương xếp vào hàng tỷ phú của vùng quê biển này. Ông Phước kể: Năm 2008, sau khi làm các thủ tục và được Agribank Chi nhánh Tư Nghĩa cho vay 500 triệu đồng, ông Phước đã cải hoán nâng công suất chiếc tàu 45CV của mình lên trên 270CV.

Nhờ suy nghĩ đúng hướng, cùng với sự cần cù chịu khó nên hiệu quả khai thác tăng lên rõ rệt. Theo đó năm 2010, ông Phước đã hoàn trả đủ nợ và vay lại 700 triệu đồng để tiếp tục nâng công suất chiếc tàu của mình lên 420CV; đồng thời đóng thêm 1 chiếc có công suất tương đương. Và gần cuối năm 2012 vừa qua, sau khi trả khoản vay cũ, ông Phước đã được Agribank Chi nhánh Tư Nghĩa cho vay 1,5 tỷ đồng để đóng con tàu thứ 3, có công suất 420CV.

Ông Phạm Duy Hùng - Giám đốc Agribank Quảng Ngãi cho biết: “Tính đến thời điểm cuối năm 2012, riêng tổng dư nợ cho vay phát triển nông nghiệp- nông thôn đạt 3579 tỷ đồng, tăng 926 tỷ đồng so với năm 2011, chiếm 86% tổng dư nợ của đơn vị. Trong đó số được vay sản xuất nông- lâm- ngư và diêm nghiệp là 36.214 trường hợp, với tổng dư nợ là 1.852 tỷ đồng; tăng 7.439 trường hợp và tăng 1.024 tỷ đồng so với năm 2011”.

Tương tự là trường hợp của chủ tàu Phạm Hồng Hai (55 tuổi), ở cùng thôn Phổ An. Năm 2011, ông Hai cũng được Agribank- Chi nhánh Tư Nghĩa cho vay 1,8 tỷ đồng để đóng tàu lớn vươn ra đánh bắt ngoài khơi xa. Và đến đầu năm nay, số tiền vay cũng đã được ông Hai trả đủ cả gốc lẫn lãi. Ngoài hỗ trợ cho ngư dân cải hoán, đóng mới... nhiều chủ tàu chẳng may gặp nạn cũng được Agribank Quảng Ngãi cho vay để sắm lại phương tiện, như trường hợp ông Đỗ Văn Phục (66 tuổi), ở Tư Nghĩa.

Mặc dù khoản vay 500 triệu đồng từ năm 2009 vẫn chưa hoàn trả xong, thế nhưng năm 2011, trong lúc kéo lên bờ để sửa chữa, chẳng may tàu của ông Phục bị hỏa hoạn. Dù vậy, Agribank Quảng Ngãi vẫn tiếp tục cho ông Phục vay thêm 300 triệu đồng để sửa chữa tàu, tiếp tục ra khơi. Không riêng gì các trường hợp nêu trên, từ nguồn vốn vay của Agribank Quảng Ngãi, hàng ngàn hộ dân, nhất là ở các vùng miền núi, nông thôn và ven biển trong tỉnh có điều kiện để đầu tư vào trồng trọt, chăn nuôi, mua sắm dụng cụ và phương tiện... Nhờ đó các gia đình đã thoát đói nghèo và vươn lên làm giàu.

Ông Võ Việt Chính - Chủ tịch Hội ND tỉnh nhận xét: Cùng với các nguồn vốn vay và hỗ trợ khác, Agribank Quảng Ngãi đã thực hiện rất tốt việc đưa nguồn vốn vay đến với người dân. Riêng thông qua kênh hội (thực hiện Nghị định số 41/2010/NĐ-CP), tính đến thời điểm cuối năm 2012, tổng dư nợ của Agribank Quảng Ngãi là 563 tỷ đồng, so với kế hoạch thì tăng 38 tỷ đồng. Với những gì đã làm, tôi tin rằng trong thời gian tới Agribank Quảng Ngãi sẽ tiếp tục là người bạn đồng hành của người dân trong tỉnh.