Dân Việt

Giải pháp nào giúp chữa khỏi ca HIV đầu tiên trên thế giới?

24/03/2013 13:16 GMT+7
(Dân Việt) - Vừa qua, tiến sĩ Hannah Gay đến từ Trung tâm Y tế Đại học Mississippi đã công bố thông tin về việc đứa trẻ đầu tiên trên thế giới mắc vi-rút HIV bẩm sinh đã được chữa khỏi sau khi áp dụng chế độ điều trị tích cực 3 loại thuốc.

10 tháng kể từ khi dùng thuốc lần cuối cùng, cơ thể của em hoàn toàn sạch vi-rút HIV.

Trường hợp của em bé được báo cáo lên hội nghị về sự tái sinh của vi-rút và khả năng lây lan ở Atlanta, và được coi là trường hợp bệnh nhân thứ hai nhiễm HIV được chữa khỏi.

 img
 Tiến sĩ Hannah Gay đã áp dụng điều trị liều cao với đứa bé có HIV.

Thoát chết diệu kỳ

Một bệnh nhân khác cũng thoát khỏi đại dịch này là anh Timothy Ray Brown, 46 tuổi. Trước đó, anh được chẩn đoán là mắc HIV và bệnh bạch cầu. Anh được chỉ định cấy ghép tủy xương và chính ca phẫu thuật này đã khiến cho vi-rút HIV biến mất hoàn toàn khỏi cơ thể của anh.

Timothy Ray Brown là một người Đức gốc Mỹ được phát hiện nhiễm HIV vào năm 1995. Trong suốt 10 năm liền sau khi phát hiện bệnh, việc chữa trị của Brown lúc có, lúc không cho đến năm 2006 khi anh biết mình bị bệnh bạch cầu.

Để chữa bệnh ung thư của anh, tiến sĩ Gero Huetter của Đại học Berlin lên kế hoạch cấy ghép tủy xương cho Brown.

Sau cuộc phẫu thuật cấy ghép vào tháng 2.2007, anh mất 1 năm theo dõi bệnh và kết quả là bạch cầu vẫn quay trở lại nhưng vi-rút HIV lại hoàn toàn biến mất. Brown trở nên nổi tiếng khắp thế giới với biệt danh “bệnh nhân Berlin”. Tháng 7.2012, anh còn họp báo công bố đã khỏi hẳn HIV sau 5 năm không điều trị.

Đứa trẻ ở Mississippi được sinh ra trong một phòng cấp cứu ở nông thôn khi mẹ của bé được chẩn đoán là dương tính với HIV. Người mẹ không hề được nhận một sự chăm sóc đặc biệt nào trước khi sinh.

Các bác sĩ chỉ đơn giản tiêm cho đứa bé một vài ống thuốc liều thấp để ngăn không cho căn bệnh cắm rễ sâu vào cơ thể của em. Bệnh viện cũng không có những trang thiết bị hiện đại nên đã nhanh chóng chuyển đứa trẻ đến cho tiến sĩ Hannah Gay, một chuyên gia về nhiễm HIV ở trẻ em tại Trung tâm Y tế Đại học Mississippi.

Tiến sĩ Hannah nhận thấy đứa trẻ này phải đối mặt với nguy cơ cao hơn bình thường và xứng đáng được chữa trị tốt nhất có thể, cô quyết định áp dụng một liệu trình trị liệu với liều lượng cao hơn bình thường. Sau một vài tuần điều trị tích cực, lượng vi-rút HIV trong người em bé dần giảm.

Đến ngày thứ 29, kết quả thử nghiệm tiêu chuẩn cho thấy không có HIV trong người em nữa. Cô cho biết: “Tôi gặp đứa bé một tuần một lần, các vi-rút được tiêu diệt hết, chúng tôi hy vọng đứa bé thường xuyên được đưa đến để trị liệu”.

Nhưng đến khi đứa bé được 18 tháng tuổi, không biết vì lý do gì, người mẹ ngừng đưa em đến khám. Các bác sĩ đã buộc phải gọi dịch vụ xã hội để truy tìm họ nhưng không có kết quả.

5 tháng sau, người mẹ và đứa trẻ xuất hiện. Trước khi tiếp tục trị liệu, tiến sĩ Hannah yêu cầu kiểm tra tổng quát một lần. Trước sự kinh ngạc của tất cả mọi người, trong cơ thể của đứa trẻ hoàn toàn không phát hiện được một chút dấu vết nào của vi-rút HIV.

Lúc đầu, tiến sĩ Hannah lo lắng liệu có phải cô bé đó không nhiễm bệnh ngay từ đầu, nhưng khi kiểm tra kỹ càng lại hồ sơ bệnh án và những xét nghiệm trước đó, kết quả cho thấy 5 cuộc kiểm tra khác nhau đã được tiến hành và đều phát hiện thấy vi-rút HIV trong người cô bé.

Trong thời gian 5 tháng biến mất, cô bé cũng không nhận được bất cứ sự chữa trị hay thuốc men nào. Thời điểm hiện tại là 10 tháng kể từ khi dùng thuốc, vẫn không có biểu hiện nào về sự xuất hiện của vi-rút HIV trong người em. Tiến sĩ Hannah hy vọng loại vi-rút đáng sợ này sẽ không quay lại trên cơ thể của em một lần nào nữa.

Mở ra hy vọng

Tiến sĩ Deborah Persaud thuộc Trung tâm Chăm sóc trẻ em Johns Hopkins cho rằng, quá trình chữa trị đặc biệt đã ngăn chặn việc hình thành những hang ổ chứa vi-rút.

 img
Tiến sĩ Deborah Persaud.

Những hang ổ này là nguyên nhân chính khiến cho việc chữa trị thất bại vì mặc dù thuốc điều trị AIDS ngăn không cho vi-rút HIV tái tạo, nhưng những vi-rút ẩn nấp trong những hang ổ này sẽ sẵn sàng quay trở lại ngay khi việc điều trị kết thúc.

Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cảnh báo rằng, những báo cáo về việc chữa trị này chỉ đúng với tình trạng bệnh của trẻ em và những phát hiện mới nhất về cách điều trị căn bệnh thế kỷ ở trẻ sơ sinh có rất ít liên quan đến những bệnh nhân nhiễm HIV đã trưởng thành, những người đã được chẩn đoán và điều trị trong thời gian dài.

Nhưng nếu những nghiên cứu khẳng định rằng, việc chữa trị từ rất sớm có thể khiến vi-rút HIV biến mất thì khả năng chữa trị cho các em bé nhiễm HIV từ khi mới sinh là rất cao. Điều này sẽ đem lại hy vọng cho trẻ em đến từ những nước chậm và đang phát triển - nơi mà tỷ lệ trẻ em mắc vi-rút HIV ngày càng tăng.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết khả năng một người phụ nữ nhiễm HIV lây truyền vi-rút sang đứa bé trong bụng khi mang thai, sinh con hoặc cho con bú là khoảng 15 - 45%.

Việc điều trị bằng liệu pháp kháng vi-rút trong quá trình mang thai và đặc biệt trong thời gian sinh con có thể làm giảm khả năng lây nhiễm xuống còn 2%. Tuy nhiên, trên thế giới vẫn có khoảng 300.000 - 400.000 đứa trẻ sinh ra với vi-rút HIV trong người. Khoảng 90% trong số đó đến từ những nước nghèo thuộc châu Phi.

Thận trọng khi áp dụng phương pháp mới

WHO không chắc chắn về sự an toàn của việc áp dụng liều lượng thuốc cao hơn ngay sau khi đứa trẻ sinh ra bởi có rất ít nghiên cứu kiểm chứng vấn đề này.

Việc điều trị quá liều có thể gây hại đến sức khỏe của đứa bé và gây nên lãng phí thuốc khiến nhiều bệnh nhân khác không có thuốc để điều trị. Hiện tại, WHO vẫn lên tiếng kêu gọi việc điều trị cho trẻ nhiễm HIV từ mẹ với một liều lượng trung bình từ 4 - 6 tuần sau khi sinh, hoặc ít nhất cho đến khi việc kiểm tra quyết định tình trạng bệnh của bé.

Nếu cơ thể của bé phản ứng tích cực, một sơ đồ điều trị với liều lượng cao hơn sẽ được bắt đầu. Thay vì áp dụng một phương pháp mới cho việc điều trị, việc chăm sóc bà mẹ trước khi sinh và xét nghiệm HIV trong thai kỳ sẽ giảm thiểu đáng kể khả năng nhiễm HIV ở trẻ sơ sinh.

Theo Dòng Đời