Tình báo Mỹ đã được phen bẽ mặt khi một điệp viên CIA bị bắt quả tang cầm tiền đi tuyển mộ một chuyên gia phản gián Nga thành điệp viên hai mang của Mỹ. Vụ việc thu hút sự chú ý của cả dư luận Nga, Mỹ lẫn thế giới bên ngoài, không chỉ bởi tính chất đặc biệt của nó mà còn bởi nhiều chi tiết khó hiểu liên quan.
Những món "đồ nghề" khó hiểu
Hãng tin AP cho biết khi bị bắt, điệp viên Ryan Fogle có mang theo một túi, bên trong có chứa nhiều món đồ có thể khiến người ta ngạc nhiên.
Trước tiên là những bộ tóc giả. Fogle đang đeo một bộ tóc giả màu vàng và ở trong túi anh ta còn có một bộ tóc giả khác màu đen.
AP đánh giá trong khi những bộ tóc giả như thế có thể khiến người ta khó bị nhận ra trong đám đông say cần sa ở Amsterdam (Hà Lan), việc đeo tóc giả ở Moskva vào nửa đêm sẽ chỉ khiến ai đó trở nên nổi bật, dễ bị chú ý hơn. Ngoài tóc giả, Fogle còn mang theo kính. Không chỉ một chiếc mà những ba chiếc. Một trong số đó có gọng đen, mắt kính có màu hơi tối một chút.
Chiếc túi có chứa rất nhiều đồng euro với mệnh giá 500 euro. Ngoài ra, nó còn có tài liệu hướng dẫn chi tiết dành cho các điệp viên hai mang tiềm năng cách thức liên lạc bí mật và tổ chức các cuộc gặp trong tương lai.
Ngoài tài liệu còn có thông tin cam kết chi trước cho điệp viên hai mang số tiền 100.000 USD. Nếu hợp tác lâu dài, điệp viên có thể được thưởng tới 1 triệu USD mỗi năm. Việc đề cập tới đồng đô la trong tài liệu khác hẳn với số tiền mặt euro có trong chiếc túi của Fogle.
Một chi tiết gây khó hiểu nữa là Fogle có mang theo một tấm bản đồ Moskva. Anh ta dùng bản đồ làm gì trong thời đại tất cả đều sử dụng các chương trình như Google Map cài trên điện thoại di động để tìm đường? Có thể anh ta nghĩ rằng việc dùng ứng dụng dò đường sử dụng vệ tinh định vị trên điện thoại di động sẽ khiến bản thân dễ bị lộ. Vì dùng bản đồ giấy nên Fogle còn mang theo một chiếc la bàn, một chiếc đèn pin.
Anh ta cũng chỉ sử dụng một chiếc điện thoại Nokia cũ kỹ nhưng pin lâu và sử dụng tai nghe để thoại rảnh tay, 2 chiếc sim điện thoại, 2 con dao nhỏ, bình xịt hơi cay, hộp đựng chìa khóa, pin tiểu, sổ tay và một chiếc bật lửa.
Xét theo nhiều phương diện, các đồ nghề mà Fogle dùng rất giống với các món đồ mà điệp viên thời Chiến tranh lạnh sử dụng, không giống với một "siêu điệp viên" thời hiện đại kiểu James Bond (007) chút nào.
Sập bẫy người Nga?
Sau khi tóm được Fogle, Nga đã trao trả anh này cho sứ quán Mỹ và yêu cầu anh này lập tức rời khỏi Nga. Phía Nga cũng được dịp bêu xấu tình báo Mỹ.
Trợ lý Tổng thống Vladimir Putin là Yury Ushakov hôm 15.5 nói rằng người Nga đã "hết sức ngạc nhiên" trước mức độ "thô và vụng về hết cỡ" của màn tuyển mộ do Fogle thực hiện.
Bộ Ngoại giao Nga đã ra tuyên bố Fogle là một điệp viên CIA và việc anh ta bị bắt "đã nêu ra nhiều câu hỏi cho phía Mỹ". "Vào thời điểm các tổng thống của chúng ta đã xác nhận sự sẵn sàng mở rộng hợp tác quan hệ song phương, gồm sự hợp tác giữa đơn vị đặc biệt của hai nước chống lại chủ nghĩa khủng bố, những hành động gây hấn như thế sẽ không giúp tăng cường sự tin tưởng lẫn nhau" - Bộ Ngoại giao Nga nói.
Tuy nhiên, giới phân tích tình báo Mỹ đã phản pháo, cho rằng đây chỉ là một "âm mưu" của Moskva nhằm gây những tác động có chủ đích lên quan hệ song phương.
Aki Peritz, một cựu quan chức CIA và là chuyên gia phân tích phản gián, tuyên bố: "Chỉ nhìn vào số tiền liên quan tới vụ này đã thấy có chút vấn đề. Anh sẽ đặt câu hỏi rằng liệu đây có phải là một vụ dàn dựng? Moskva là môi trường tình báo khắc nghiệt nhất, có hoạt động phản gián mạnh nhất.
Việc một điệp viên mang theo tóc giả, một nắm tiền, một chiếc la bàn, mấy cặp kính và cả một lá thư với nội dung gần như hét toáng lên rằng: 'Tôi là điệp viên" rất có vấn đề. Có thể Fogle chỉ là một sĩ quan tình báo trẻ đã bị giám sát trong một thời gian. Tôi có cảm giác người Nga đã hơi mạnh tay trong vụ này".
Mark Galeotti, một chuyên gia an ninh và tình báo ở Đại học New York, nói rằng có thể Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) đã tóm được một điệp viên cấp thấp của CIA và quyết định "tô vẽ" chiến tích bằng các món đồ tình báo "trong những năm 1970 và một lá thư hứa hẹn trả tới cả triệu đô la". Ông đánh giá một phần của việc này là để gửi thông điệp tới Mỹ rằng: "Đừng giỡn với chúng tôi".