Theo chuyên gia kinh tế, TS Võ Đại Lược - Viện Kinh tế Chính trị thế giới, có một số giải pháp cần phải thực hiện một cách bài bản trong quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN).
Đó là cần xem xét rút vốn ra khỏi các DNNN ở những ngành và lĩnh vực Nhà nước không cần nắm giữ như cà phê, cao su, du lịch… để giảm tỷ trọng DNNN trong GDP từ 35% hiện nay xuống 15-20%, ngang mức các nền kinh tế trong khu vực. DNNN phải sớm chấm dứt kinh doanh ngoài ngành, đặc biệt trong lĩnh vực nhà hàng, khách sạn, chứng khoán…
Một giải pháp khác, theo TS Võ Đại Lược cho là rất quan trọng, đó là phải phát triển mạnh mẽ khu vực doanh nghiệp tư nhân để đủ sức thay thế DNNN trong các lĩnh vực mà Nhà nước không cần nắm giữ.
Đề cập đến vấn đề nợ công của Việt Nam và sự cần thiết phải nhìn nhận một cách công khai, minh bạch, TS Lê Kim Sa - Viện KHXH Việt Nam cho rằng:
Nợ công của Việt Nam đang thu hút sự quan tâm rất lớn của dư luận bởi nó không chỉ liên quan đến lòng tin của người dân đối với Nhà nước trong việc sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư, mà còn tác động đến cuộc chiến chống tham nhũng, lãng phí. Nội dung được bà Sa nhấn mạnh đó là hiệu quả của việc sử dụng và khả năng trả nợ của Việt Nam.
Theo TS Kim Sa, giả định 2/3 số nợ công của Việt Nam, khoảng hơn 30 tỷ USD (năm 2011, khoảng 40% GDP) với mục đích đầu tư cho các công trình, dự án của Nhà nước thì tỷ lệ thất thoát đang được thừa nhận (cả chính thức lẫn không chính thức) là từ 15 - 45%. Như vậy, có thể thấy phần thất thoát tài sản nhà nước (chỉ tính riêng phần đi vay) là từ 4,5 -13 tỷ USD.
Phương Hà