Mâu thuẫn giữa Trung Quốc và Philippines đang ngày càng gia tăng khi ngày càng có những dấu hiệu không ai nhường ai.
Ảnh vụ đối đầu trên biển giữa Trung Quốc-Philippines |
Giành lại giàn khoan
Cuối tuần qua, các lực lượng Philippines và Mỹ đã tiến hành cuộc diễn tập chung chưa từng có tiền lệ nhằm tập dượt việc giành lại các giàn khoan dầu mỏ và khí đốt ở ngoài khơi. Cuộc diễn tập được tiến hành tại hai giàn khoan đang hoạt động ở mỏ khí đốt Malampaya, nằm ngoài khơi bờ biển phía Bắc đảo Palawan.
Chỉ huy cuộc diễn tập bên phía Philippines, Thiếu tướng Hải quân Victor Emmanuel Martir, cho biết hai bên đã cử 70 quân nhân tham gia diễn tập. Phía Mỹ sử dụng các máy bay trực thăng Chinook để chở quân tham gia. “Cuộc diễn tập có ý nghĩa rất quan trọng, vì hiện tại chính phủ Philippines đang thúc đẩy triển khai kế hoạch thăm dò dầu mỏ và khí đốt ở những khu vực thuộc chủ quyền của Philippines trên biển Đông”, Thiếu tướng Martir cho biết.
Philippines cáo buộc các ngư dân Trung Quốc đánh cá bất hợp pháp, khẳng định khu vực thuộc chủ quyền của Philippines vì nó nằm trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của nước này, được luật pháp quốc tế công nhận. |
Cuộc tập trận Balikatan diễn ra trong bối cảnh quan hệ căng thẳng giữa Philippines và Trung Quốc tại Biển Đông tiếp tục leo thang sang tuần thứ 3 liên tiếp với các cuộc khẩu chiến từ cả hai bên. Trong tuyên bố mới nhất, người phát ngôn Đại sứ quán Trung Quốc tại Philippines Trương Hoa cáo buộc chính Manila chứ không phải Bắc Kinh làm gia tăng căng thẳng trong khu vực. “Trung Quốc đã rất kiềm chế cho đến thời điểm này và không làm trầm trọng thêm tình hình như một số người đã nói”, nhật báo Philippine Daily Inquirer dẫn lời ông Trương Hoa khẳng định.
Giành bãi cá
Người phát ngôn Đại sứ quán Trung Quốc nhấn mạnh đảo Hoàng Nham trước hết phải là một phần lãnh thổ của Trung Quốc. Tuy nhiên, trong cuộc đối đầu vừa qua, Bắc Kinh không điều tàu hải quân đến vùng biển tranh chấp với Philippines mà chỉ là các tàu dân sự, cho dù hải quân Philippines đã chĩa súng vào các ngư dân của Trung Quốc trước.
“Trung Quốc đã cử một tàu thực thi luật biển và tàu đánh bắt cá lớn đến Hoàng Nham để liên kết với một tàu Trung Quốc khác đối đầu với tàu tìm kiếm và cứu hộ của Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Philipppines”, ông Trương Hoa xác nhận. Mặc dù vậy, ông Trương Hoa cũng cho biết Trung Quốc “luôn mở rộng cánh cửa tham vấn hữu nghị" với Philipppines về vấn đề tranh chấp biển đảo.
Trước đó, Manila cáo buộc Bắc Kinh liên tiếp cử các tàu tuần duyên và máy bay tới vùng biển tranh chấp giữa hai nước, ngăn cản hoạt động bảo vệ hợp pháp của tàu tuần duyên Philippines và quấy nhiễu hoạt động của một tàu khảo cứu tại khu vực này. Trong khi đó, Philippines cũng đã triển khai Gregorio del Pilar, tàu chiến lớn nhất của nước này, và một tàu chiến khác tới vùng biển tranh chấp để bắt giữ các ngư dân Trung Quốc.
Đánh “cho biết lễ độ”
Thời báo Hoàn cầu của Đảng Cộng sản Trung Quốc ngày 21.4 đăng bài bình luận kêu gọi sẵn sàng tấn công Philippines. Bài bình luận có đoạn: “Trung Quốc không chỉ bảo vệ đảo Hoàng Nham mà còn phải đối phó với thế lực bên ngoài muốn ngăn chặn sự trỗi dậy của chúng ta”. Bài viết nhấn mạnh: “Trung Quốc cần sẵn sàng ứng chiến một cuộc xung đột quy mô nhỏ trên biển với Philippines. Trung Quốc phải hành động cương quyết và đưa ra thông điệp rõ rằng Bắc Kinh dù không muốn nhưng chẳng sợ tiếng súng”.
Chính phủ Philippines cho biết nước này đã đồng ý với Trung Quốc giải quyết tranh chấp bằng con đường ngoại giao, nhưng cảnh báo sẵn sàng tự vệ vì sự toàn vẹn lãnh thổ khi bị thách thức. |
Cũng trong ngày 21.4, tờ Giải phóng quân Trung Quốc, cơ quan ngôn luận của Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc, đăng bài xã luận cảnh báo Mỹ về cuộc tập trận chung với Philippines đang diễn ra. Bài viết cho rằng đợt tập trận mang tên Balikatan giữa Mỹ - Philippines “đã thổi bùng nguy cơ xung đột vũ trang trong tranh chấp biển Đông”. Trong khi đó, giới chức Mỹ vẫn khẳng định động thái trên không nhằm vào Trung Quốc.
Về phía Philippines, Tổng thống Benigno Aquino III ngày 23.4 kêu gọi các nước láng giềng dè chừng thái độ gây hấn của Trung Quốc về vấn đề tranh chấp chủ quyền trên biển Đông. Cùng ngày, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Philippines Raul Hernandez tuyên bố sẽ bàn luận vấn đề tranh chấp Scarborough với giới chức Mỹ vào tuần tới nhân các cuộc gặp cấp cao giữa hai nước tại Washington.
“Những diễn biến ở Scarborough cho thấy mối đe dọa tiềm ẩn không chỉ đối với Philippines mà cả những nước muốn có sự tự do đi lại và thương mại ở biển Đông” - ông Hernandez cảnh báo. Người phát ngôn cũng nói rằng Philippines sẽ chính thức nêu vấn đề này ra trong cuộc hội đàm "2+2" giữa Ngoại trưởng Alberto del Rosario cùng Bộ trưởng Quốc phòng Voltaire Gazmin với những người đồng cấp Mỹ là Hillary Clinton và Leon Panetta.
Ông Hernandez cho hay không thể nói chính xác mục tiêu của Philippines khi đưa vấn đề này ra với Mỹ là gì. Tuy nhiên, các cuộc đàm phán ở Washington dự kiến sẽ tạo cơ hội để chính phủ Philippines tìm kiếm sự ủng hộ lớn hơn cho các lực lượng vũ trang của nước này. Trước đó, tờ Business Mirror dẫn lời tướng Juancho Sabban, quan chức quốc phòng Philippines, nhấn mạnh quân đội sẵn sàng hy sinh để bảo vệ người dân nếu Trung Quốc tấn công.
Giữa Mỹ và Philippines có một hiệp ước quốc phòng, theo đó Washington cam kết sẽ hỗ trợ đồng minh trong trường hợp bị khiêu khích quân sự. Hành động của Philippines có thể khiến Trung Quốc tức giận do Bắc Kinh luôn tuyên bố Washington không nên can dự vào vấn đề tranh chấp tại khu vực.
Báo cáo ngày 22.4 của Nhóm Khủng hoảng quốc tế (ICG) tại Bỉ nhận định rằng các quan chức Trung Quốc không biết cụ thể giới hạn những khu vực mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền trên biển Đông. Theo AP, báo cáo này còn cho biết Trung Quốc giao trách nhiệm quản lý các khu vực trên cho không dưới 10 cơ quan khác nhau, hoạt động chồng chéo và mâu thuẫn lợi ích lẫn nhau
“Chiến đấu” trên không gian ảo
Ngày 23.4, Chính phủ Philippines cáo buộc tin tặc Trung Quốc đã tấn công ba trang web thuộc văn phòng Tổng thống Philippines Benigno Aquino. Các cuộc tấn công xảy ra ngay sau khi Manila cho biết họ sẽ bày tỏ quan ngại về những căng thẳng leo thang giữa Philippines và Trung Quốc trên biển Đông với Washington.
Tuyên bố từ văn phòng Tổng thống Aquino cho biết các trang web bị tấn công là trang công báo chính thức của tổng thống (www.gov.ph) và hai trang web khác thuộc quyền quản lý của đội thông tin của tổng thống (www.pcdspo.gov.ph, www.malacanang.gov.ph). “Phân tích những dữ liệu chúng tôi thu thập được cho thấy các địa chỉ IP của cuộc tấn công đăng ký từ Trung Quốc. Các cuộc tấn công đã làm các dịch vụ thông tin bị gián đoạn tạm thời” - tuyên bố cho biết.
Trước đó, các tin tặc tự xưng của Trung Quốc đã đánh sập trang web một trường đại học hàng đầu Philippines, nhằm khẳng định tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trên biển Đông. Ngay sau đó, báo chí Philippines đưa tin một nhóm tin tặc của nước này tự xưng là “Anonymous” đã trả đũa bằng cách tấn công hai trang web của Chính phủ Trung Quốc.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines Raul Hernandez chỉ trích các cuộc tấn công và kêu gọi tin tặc cả 2 nước dừng cuộc chiến trên mạng. “Chúng tôi phản đối các cuộc tấn công trên mạng bất chấp chúng xuất phát từ phía nào. Chúng tôi cho rằng sự đối đầu của họ chỉ làm cho tình hình thêm căng thẳng. Chúng tôi kêu gọi công dân cả hai nước Philippines và Trung Quốc hãy có trách nhiệm hơn và khuyến khích đối thoại hơn là bất hòa” - ông Hernandez nói.