Dân Việt

Được tự do sau 18 năm tù oan

10/06/2012 06:16 GMT+7
(Dân Việt) - Năm nay 36 tuổi, Damien Echols đã phải trải qua gần nửa đời nằm trong nhà tù bang Arkansas, nước Mỹ, sau khi bị kết tội giết ba bé trai.

Kỳ lạ thay, tháng Ba qua, Echols cùng hai đồng phạm: Jason Baldwin, 34 tuổi và Misskelley Jr., 36 tuổi (đang bị tù chung thân) được trả tự do theo một khoản luật hiếm khi áp dụng. Khoản luật cho phép các phạm nhân ra tù nhưng phải đồng ý đã có đủ bằng chứng kết tội họ trước đó.

Để được tự do phải nhận tội

Baldwin lúc đầu từ chối nhưng nhanh chóng thay đổi ý định bởi lo sợ cho Echols. Cuộc sống tù tội cùng những lần bị đánh đập dã man khiến Echols càng ngày càng cạn kiệt sức lực, tưởng chừng như đang chạy đua giành giật sự sống với tử thần. Baldwin phát biểu: "Để được tự do phải nhận mình có tội sau 18 năm tù thật sự là một thử thách ghê gớm. Nhưng để cứu Echols, tôi không thể làm gì khác".

img
18 tuổi, Damien Echols bị bắt bỏ tù cho đến lúc 36 tuổi

Đối với Damien Echols, thực tại vẫn chưa hết bàng hoàng. Anh nói: "Tôi phải tập đi lại, bởi suốt thời gian trong tù, tôi bị xích cả hai chân. Tôi mới ra ngoài được hơn một tháng và như thể mới ra khỏi một cơn ác mộng kinh hoàng". Echols đang có ý đăng báo tập nhật ký viết trong tù.

Đó là tháng Năm, 1994, cuộc sống của chàng thanh niên lúc đó 18 tuổi đã thay đổi mãi mãi sau khi xác ba nam sinh cấp hai được phát hiện trần truồng, tay chân bị trói, và bị đem bỏ dưới một đường mương khô nước trong một khu rừng gần nhà chúng ở thành phố West Memphis, bang Arkansas. Các nạn nhân tên: Michael Moore, Steve Branch và Chistopher Byers, cùng 8 tuổi, là các hướng đạo sinh và là bạn thân của nhau.

Sau 12 giờ bị thẩm vấn, Misskelley, một bạn học cũ của Echols đã khai nhận và tố cáo Echols và Baldwin cùng đồng mưu gây án. Tại phiên tòa xử Echols năm 1975, những luận cứ buộc tội hoàn toàn có tính suy diễn, thường tập trung vào sở thích để tóc dài, mặc đồ đen, nghe nhạc heavy-metal và ham mê những điều huyễn hoặc của phạm nhân.

Echols nhớ lại 18 năm bị biệt giam không nhìn thấy ánh mặt trời. Năm tháng trôi qua và những người bạn tử tù bước qua trước cửa xà lim, có người dừng lại nói lời vĩnh biệt, rồi đi tiếp đến phòng hành quyết. Có những lúc anh náu mình vào những tư tưởng và cảm xúc riêng tư. Đôi lúc sợ hãi, nghĩ đến giờ phút bị đem đi xử tử. Đôi lúc tự an ủi: "Người ta sẽ không giết tôi bởi điều tôi không làm". Làm bạn trong căn xà lim nhỏ bé là những con chuột hằng đêm rúc rích, bò lên giường và rỉa rói mái tóc của anh cho đến khi anh thức dậy ăn điểm tâm.

Người đã cứu vớt vợ

img
Echols và người vợ Lorri Davis đang hạnh phúc bên nhau

Hằng ngày Echols chạy tại chỗ và hít đất cho được 1.200 lần, mồ hôi đổ nhễ nhại trên nền xà lim dơ bẩn. Anh làm dịu những cơn đau đầu gối, đau mông và đau răng do bị các bảo vệ nhà tù đánh đập bằng cách ngồi thiền. Đây cũng là phương pháp giải tỏa đau buồn anh học được từ những vị sư Phật giáo đến trại tù dạy cho anh. Tuy vậy, trên hết chính người vợ đã cứu vớt đời anh.

Người bạn đời tên Lorri Davis là một nhà thiết kế thời trang ở thành phố New York. Năm 1998 sau khi xem các thước phim tài liệu về vụ án, người phụ nữ này đã phải lòng và chuyển đến làm đám cưới với Echols ngay trong trại giam. Từ đó đến ngày người chồng ra tù, Davis hằng ngày gọi điện hỏi thăm. Tiền cước điện thoại tổng cộng tính được đến 100 ngàn đô la trong 13 năm.

Cũng suốt thời gian này, mỗi thứ Sáu hằng tuần cô đều lái xe đến trại tù, báo cho Echols những tin tức mới nhất về vụ án, ngay cả bỏ việc làm để dành trọn thời gian chạy chọt, lo toan cho chồng được tự do. Davis thường mang đến những tin xấu, phân trần những cố gắng kháng án bị thất bại. Nhưng cũng có tin vui: năm 2008, những người ủng hộ có tiếng tăm đã quyên góp đủ tiền thuê một nhóm bào chữa mới bao gồm hơn 10 luật sư và các chuyên gia pháp y hàng đầu nước Mỹ.

Ngày 9 tháng Ba, cuộc đời Echols thay đổi một lần nữa khi vị tổng chưởng lý bang Arkansas gây chưng hửng mọi người. Ông dàn xếp những cuộc thương lượng giữa các luật sư bên bị cáo và bên nguyên cáo kéo dài trong 10 ngày. Echols kể lại: "Suốt bốn đêm liền tôi không ngủ được, lê bước qua lại trong xà lim.

Đó là những ngày căng thẳng nhất trong 18 năm nằm tù". Ngày 18 tháng Ba, Echols và hai người bạn được chuyển đến một trại giam nhỏ ở Jonesboro. Ngày hôm sau họ được giải đến một tòa án gần đó, các nhân viên bảo vệ trại giam cởi xích chân và còng tay cho các phạm nhân. Một thẩm phán tuyên bố phóng thích họ.

Misskelley kể lại: “Tôi không biết đó là một trò chơi hay là gì khác. Nhưng khi tôi bước ra khỏi tòa án, leo lên xe, tôi nói với người em gái: “Đi lẹ thôi! Càng đi xa nơi đây càng nhanh càng tốt!”. Echols và Baldwin đến dự một bữa tiệc do những người ủng hộ chiêu đãi tại một khách sạn rồi chui vào một máy bay tư nhân của họ, nhanh chóng rời Arkansas, thề nguyền sẽ không bao giờ quay lại.

Trong bộ ba bị 18 năm oan tù, Echols gặp nhiều khó khăn khi trở lại đời thường. Anh phải tập trở lại các kỹ năng căn bản như dùng nỉa để ăn, cách sử dụng máy iphone. Ngay cả đi xem phim trong rạp hát cũng phải tập quen dần trở lại. Anh nói: "Ngồi trong một phòng tối om, có những người ngồi đằng sau, tôi vẫn còn cảm giác lo sợ như có người sẽ đánh lén đằng sau đầu". Nhìn chồng dùng tay ăn đĩa xà lách trộn, Davis nói: "Có rất nhiều chuyện anh ta cần phải tập trở lại".

Hiện tại, bạn bè đang giúp cặp vợ chồng có chỗ ở và chất đầy tủ lạnh bánh pizza và kẹo sôcôla sữa, những món ăn Echols thích. Chưa dự tính gì cho tương lai, anh chàng đang có ý cùng vợ đi du lịch New Zealand vào tháng 10 tới.

Theo Thế giới & Hội nhập