Tại đây, hệ thống dây chuyền sản xuất hiện đại với công nghệ tiên tiến cùng đội ngũ kỹ sư, kỹ thuật viên trình độ cao, phong cách chuyên nghiệp vận hành Nhà máy Đạm Phú Mỹ đã thuyết phục được lòng tin của nông dân, nhà phân phối ở nước bạn Campuchia.
Nông dân, đại lý phân phối Campuchia (áo xanh) tham quan phòng điều khiển trung tâm của Nhà máy Đạm Phú Mỹ. |
Bị “quyến rũ” bởi công nghệ cao
Phát biểu tại chuyến tham quan, ông Chhea Chan Veasna - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý vật tư nông nghiệp (Bộ Nông – Lâm – Ngư nghiệp Campuchia) cho biết, Campuchia hiện chưa có nhà máy sản xuất phân đạm nào. Nhìn sang các nước láng giềng, ông cũng chưa thấy nơi đâu sản xuất đạm urê nhiều như Việt Nam.
Điều khiến ông Veasna cũng như nông dân và các đại lý phân phối vật tư nông nghiệp tại Campuchia hết sức thích thú khi tham quan Nhà máy Đạm Phú Mỹ là hệ thống công nghệ tiên tiến và dây chuyền khép kín hiện đại bậc nhất thế giới. “Được tận mắt chứng kiến quy trình sản xuất của nhà máy, nông dân Campuchia càng có cơ sở để tin tưởng vào chất lượng sản phẩm đạm Phú Mỹ của Tổng công ty” - ông Chhea Chan Veasna chia sẻ.
Giải đáp thắc mắc của ông Di Sam Nam - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý vật tư nông nghiệp (Bộ Nông – Lâm – Ngư nghiệp Campuchia), ông Nguyễn Đình Hùng - Phó Giám đốc nhà máy cho biết, Nhà máy Đạm Phú Mỹ tổng hợp urê từ khí đốt tự nhiên và không khí. “Từ tháng 9.2010, nhà máy đã đưa vào sử dụng hệ thống thu hồi CO2, giúp nâng công suất nhà máy lên 800.000 tấn/năm và góp phần bảo vệ môi trường”- ông Hùng cho biết.
Mong muốn hợp tác lâu dài
Ông Muy Yuth ở tỉnh Kom Pong Cham (Campuchia) là một trong 2 nông dân tham gia đoàn tham quan Nhà máy Đạm Phú Mỹ vừa qua cho biết, gia đình ông có 4ha đất trồng lúa. Khi sản phẩm đạm Phú Mỹ có mặt tại Campuchia, ông chưa dám sử dụng đại trà, mà chỉ thử nghiệm trên diện tích 1ha. Kết quả, ruộng lúa sử dụng đạm Phú Mỹ cho năng suất hơn 7 tấn trong khi các ruộng khác, sử dụng các loại phân bón khác năng suất chỉ đạt 5 tấn/ha.
“Không chỉ có phân bón tốt, tôi còn được cán bộ kỹ thuật của Nhà máy Đạm Phú Mỹ hướng dẫn cách sử dụng phân bón, hướng dẫn kỹ thuật trồng lúa nên giảm được rất nhiều chi phí, lợi nhuận tăng gần 2 lần” - ông Yuth kể.
Tham gia tham quan Nhà máy Đạm Phú Mỹ lần này còn có các công ty, đại lý phân phối phân bón của Campuchia. Ông Hen Chen - Giám đốc Công ty TNHH Hen Chen cho biết, mỗi năm, công ty của ông phân phối khoảng 4.000 tấn phân bón urê Phú Mỹ. Trong năm nay, sản lượng dự kiến sẽ tăng lên 5.000 tấn.
“Sau khi trở về tôi sẽ kể với bà con nông dân công nghệ hiện đại của Nhà máy Đạm Phú Mỹ để họ yên tâm và tin tưởng sản phẩm này. Tôi cũng mong được hợp tác phân phối sản phẩm lâu dài với công ty” - ông Hen Chen chia sẻ tại buổi tham quan.
Trong khi đó, ông Chhea Chan Veasna bày tỏ mong muốn hợp tác chặt chẽ với Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất dầu khí (PVFCCo), qua đó, nông dân Campuchia có cơ hội được sử dụng phân bón chất lượng cao, nâng cao năng suất canh tác. “Nông dân Campuchia rất mong được hỗ trợ về kỹ thuật trồng trọt, kỹ thuật bón phân để giảm lượng phân bón hao hụt, giảm chi phí sản xuất” - ông Chhea Chan Veasna bày tỏ.
Ông Nguyễn Đình Hùng khẳng định, Campuchia là nước láng giềng có các điều kiện tự nhiên tương tự Việt Nam, do đó, PVFCCo luôn dành ưu tiên hàng đầu cho việc hỗ trợ nông dân nước bạn phát triển sản xuất. Giá phân bón xuất sang Campuchia sẽ rất cạnh tranh, dễ dàng cho việc sử dụng của bà con.
Thuận Hải