Ngay sau khi truyền hình nhà nước Trung Quốc (CCTV) phát sóng hình ảnh Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và phu nhân tại sân bay Moscow, những bình luận ca ngợi về phong thái, ngoại hình, trang điểm cũng như phục sức của bà đã tràn ngập trên mạng xã hội Weibo, một dạng Twitter của Trung Quốc.
"Tuyệt... không còn gì hơn để nói", một người dùng viết.
"Vẻ đẹp tự nhiên... bà ấy sẽ được đón nhận nồng nhiệt", một người khác cảm thán.
"Bà ấy là đệ nhất phu nhân đẹp nhất lịch sử nước nhà!", một người khác thốt lên.
Bà Bành Lệ Viện cùng ông Tập Cận Bình vẫy tay chào khi tới Moscow hôm qua. Ảnh: AFP |
Trên Taobao, trang mua sắm trực tuyến nổi tiếng, bản sao của chiếc áo và chiếc túi xách của bà cũng được rao bán và rất nhiều người đặt mua, Shanghai Daily cho hay.
Trang bán lẻ trực tuyến Taobao lập tức lấy hình của bà Bành trong chuyến công du. Chiếc áo giống như áo bà Bành mặc có giá 499 tệ (gần 1.700.000 đồng). |
Bà Bành Lệ Viện, 50 tuổi, là một ca sĩ dòng nhạc truyền thống nổi tiếng của Trung Quốc. Bà được coi là biểu tượng quyền lực mềm của Trung Quốc và dự kiến cũng sẽ xuất hiện hết sức quyến rũ bên cạnh nhà lãnh đạo mới của Trung Quốc trong cuộc họp của khối BRICS (khối các nền kinh tế mới nổi gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) tại Durban trong tuần sau.
Giáo sư khoa báo chí Zhong Xin của đại học Nhân dân nói rằng bà Bành được hy vọng sẽ hỗ trợ chồng giới thiệu một hình ảnh thân thiện của Trung Quốc ra thế giới, theo VOA.
"Bà Bành xinh đẹp và nổi tiếng, và bởi đây là lần đầu ra mắt công chúng với vai trò mới, bà ấy sẽ gây ảnh hưởng", giáo sư nói, và thêm rằng một đệ nhất phu nhân không chỉ chiếu sáng bản thân mà cả chồng của bà ta và đất nước.
Cũng theo giáo sư Zhong, sự xuất hiện rõ ràng của bà Bành cho thấy xu hướng thay đổi ở Trung Quốc so với trước đây. Các đệ nhất phu nhân Trung Quốc thường không xuất hiện rộng rãi trước công chúng sau thời kỳ Giang Thanh, người lợi dụng cuộc hôn nhân với ông Mao Trạch Đông để thu nạp quyền lực chính trị trong suốt cuộc Cách mạng Văn hóa những năm 1960 và 1970.
Các nhà lãnh đạo trước như Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào cũng đem theo phu nhân khi công du nước ngoài, nhưng các bà hầu như hiếm khi xuất hiện trước ống kính cũng như trên báo chí.
Tuy nhiên, giáo sư chính trị học Shi Yinhong của Đại học Thanh Hoa cho rằng thành công chính trị của ông Tập chủ yếu dựa vào kỹ năng chính trị khi công cán, chứ không phải nhờ ánh sáng từ bà Bành. "Cho dù vợ ông ấy nổi tiếng, ông ấy cũng có sức thu hút của riêng mình", giáo sư Shi nói.
'Ở nhà, ông ấy là chỉ là chồng tôi'
Ông Tập Cận Bình, 59 tuổi, từng ly hôn, sau đó cưới bà Bành Lệ Viện năm 1987, khi ông đang giữ chức phó chủ tịch thành phố Hạ Môn. Hai người có một con gái và cô đang học tập tại Mỹ.
Không giống như những nhà lãnh đạo khác, lần này truyền thông Trung Quốc đã "phá lệ" khi hé lộ những hình ảnh về cuộc sống riêng tư của ông Tập và gia đình. Ông được nhìn thấy đang đạp xe cùng con gái và cầm xẻng đào đất khi còn là thanh niên.
Báo chí Trung Quốc cũng từng đăng những chia sẻ của bà Bành về chồng. "Khi ông ấy về nhà, tôi chưa bao giờ nghĩ ông ấy là một lãnh đạo. Trong mắt tôi, ông ấy chỉ là người chồng của tôi". Bà cũng kể thêm rằng ông Tập là một người tiết kiệm, chăm chỉ và thực tế.
Bà Bành Lệ Viện, phu nhân Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, trong một buổi biểu diễn. Ảnh: AFP |
Những người từng tiếp xúc với bà Bành cho biết bà là người hoạt bát, vui vẻ và dễ gần. Bà cũng được mọi người yêu mến vì tích cực tham gia chương trình vì trẻ em đấu tranh với căn bệnh HIV/AIDS và tới thăm các trung tâm từ thiện trong và ngoài nước.
Tổng bí thư, Chủ tịch Trung Quốc đã chọn Nga là điểm công du nước ngoài đầu tiên kể từ khi được bầu làm lãnh đạo, kế đó ông sẽ đi Nam Phi dự hội nghị của các nền kinh tế mới nổi. Chuyến thăm Nga của ông Tập được đánh giá có tầm quan trọng đặc biệt, trong bối cảnh Trung Quốc đang nỗ lực tìm cách cân bằng với chiến lược hướng Đông của chính quyền tổng thống Mỹ Obama - chiến lược mà Bắc Kinh tin là để nhằm kiềm tỏa và bao vây Trung Quốc.