Đó là những tâm sự của nhà thơ Xuân Diệu khi nhớ về lời hát ru. Ở nước ta, đã có biết bao nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ, họa sĩ... đã từng được lời hát ru nuôi dưỡng tâm hồn như ông, con số ấy có lẽ không bao giờ đếm được.
Chẳng ai biết hát ru có tự bao giờ, có lẽ từ khi loài người xuất hiện trên mặt đất, khi những bà mẹ hoài thai em bé trong lòng mình, đã có những câu hát ngân nga, vỗ về giấc nhỏ. Có người so sánh sao hát ru của người Mỹ, người Anh thì vui, mà hát ru của người Việt mình thì buồn thế, nào là “Gió đưa cây cải về trời/Rau răm ở lại chịu đời đắng cay”, nào là “Chiều chiều ra đứng ngõ sau/ Trông về quê mẹ ruột đau chín chiều”...
Hát ru cũng như ca dao, dân ca Việt Nam, gắn trực tiếp với văn hóa mẫu hệ, nó là lời hát tâm tình của những người mẹ nghèo cần cù nuôi con và ngóng chồng ngoài chiến trận, dằng dặc suốt bao nhiêu thế kỷ loạn lạc, khó khăn. Một dân tộc từ lúc mới hình thành đã phải vất vả kiếm tìm hạt thóc nhỏ nhoi trên đồng, con cá lênh đênh trên biển, lại còn lo nỗi giặc trong giặc ngoài, hỏi sao lời ru không buồn, không thấy nao nao.
Nhưng lời ru ấy là bài học đầu đời của những bé thơ, để biết yêu kính ông bà tiên tổ, biết anh em như thể tay chân, biết thương con cò lặn lội bờ sông, biết thương cây lúa trên đồng, cây ngô ngoài bãi. Những bài học luân lý, một lối sống có trước có sau theo câu hát mà thấm vào lòng người, mà truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác để hình thành nên tính cách cho cả một dân tộc. Tiếng ru hời “à ơi” ngoài Bắc, đi đến miền Trung nó mặn mà “ạ ơi” vào tới miền Nam nó thành “ầu ơ”, thành “ví dầu”, đó là tiếng lòng của những người bà, người mẹ, người chị gửi đến mai sau qua câu hát tiếp nối.
Giờ thì trẻ con thành phố đang ngủ với dàn âm thanh, có đứa được nghe nhạc thính phòng, có đứa nghe nhạc trữ tình, có đứa nghe nhạc pop hiện đại, thiệt thòi biết bao cho những tâm hồn thơ bé ấy. Làm sao để tìm lại câu hát mênh mang đã từng theo người Việt mình qua suốt chiều dài lịch sử dân tộc, giống như tìm được mạch nước mát lành tưới tắm cho hạt giống chân, thiện, mỹ trong tâm hồn mỗi người?.
Đó không chỉ là một câu hỏi trăn trở mà còn là một vấn đề lớn khi muốn bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc trước những xô bồ của cuộc sống hôm nay.
Lê Tâm