Dân Việt

Vợ chồng nhạc sĩ Lư Nhất Vũ - Lê Giang: Một đời đi tìm lời ru...

01/05/2012 19:43 GMT+7
(Dân Việt) - Suốt 20 năm trời điền dã khắp dọc đường gió bụi, vợ chồng nhạc sĩ Lư Nhất Vũ - Lê Giang đã sưu tập được 152 bài hát ru của người Việt 3 miền Bắc, Trung, Nam và của các dân tộc thiểu số.

Ông bà bảo nhờ có lời hát ru mà họ có được ngày hôm nay, như lời thơ của thi sĩ Nguyễn Hải Phương: “Khi lời ru lắng trong tôi/Trèo non, non thấp, ra khơi khơi gần”...

img
Vợ chồng nhạc sĩ Lư Nhất Vũ - Lê Giang.

Hát nuôi phần hồn

Cho đến nay, công trình nghiên cứu “Hát ru Việt Nam” mà 2 tác giả Lư Nhất Vũ- Lê Giang đã từng được giải thưởng âm nhạc năm 2005 của Hội Nhạc sĩ VN vẫn là công trình công phu nhất, đầy đủ nhất về những làn điệu ru con của người Việt. Để có được những bài hát ru được ký xướng âm trên giấy trắng mực đen ấy là không biết bao nhiêu những tháng ngày vất vả của hai ông bà - người ngấp nghé 70, người thì đã 75. Họ đã cùng nhau lang thang khắp nơi, đi bộ, đi xe đò, đi tàu hỏa, đi xe ngựa, đi xuồng... cốt là để tìm cho được những điệu hát tưởng như đã sắp thất truyền. Mà chỉ có thể lý giải sự dẻo dai ấy bằng một câu trả lời duy nhất: Tình yêu với hồn cốt của dân tộc.

Nhạc sĩ Lê Giang cho biết: “Những lời hát ru không chỉ đơn thuần là một câu hát cho trẻ thơ chìm vào giấc ngủ, nó còn là chìa khóa để mở cửa vào đời sống tâm hồn của người Việt, để chúng ta hiểu vì sao người Việt trọng nghĩa tình, yêu kính ông bà cha mẹ, quê hương đất nước. Đó là tâm sự của những người phụ nữ nông thôn chân chất và yêu thương con cái, truyền cho chúng tình yêu và cũng là một cách để dạy bảo chúng nên người. Nhà thơ Nguyễn Duy đã viết: “Mẹ ru cái lẽ ở đời/Sữa nuôi phần xác, hát nuôi phần hồn”. Không gian của hát ru là không gian của những bài học đạo lý, của tình yêu và vốn sống vô cùng tinh tế”.

Còn nhạc sĩ Lư Nhất Vũ, ông có một suy nghĩ giản đơn, rằng công việc này chúng tôi không làm thì cũng có anh em khác làm mà thôi, chỉ cố gắng làm sao để những lời hát thắm đượm bản sắc dân tộc mình không bị thất truyền. Theo nhạc sĩ, riêng về mảng hát ru và dân ca Nam Bộ thì ông đã bỏ ra gần cả cuộc đời để nghiên cứu, sưu tầm, sẵn sàng cung cấp tư liệu cho ai cần tham khảo; nhưng không hiểu sao chẳng thấy người nào hỏi đến cả. Có đi mới thấy, trong khi ở các thành phố lớn, vùng đồng bằng, hát ru đang ngày một thưa vắng thì nó lại vẫn có sức sống mãnh liệt nhất là ở các vùng dân tộc. “Tôi thấy rõ một điều là ký âm phần hát ru của các dân tộc khó lắm, nhiều khi phiên âm không nổi, chỉ lấy nội dung chính để nhà thơ Lê Giang chuyển thành bài hát”- nhạc sĩ cho biết.

Đi tìm báu vật

“Ngày xưa, có người xuống biển sâu trập trùng sóng vỗ để tìm vật quý. Vật quý ấy là ngọc trai, san hô. Ngày xưa, có người ngậm ngải vào rừng để tìm vật quý. Vật quý ấy là trầm hương, hổ phách. Ngày nay, nhà thơ Lê Giang đã dọc ngang miền Nam Tổ quốc đi tìm vật báu. Báu vật ấy là di sản văn học dân gian của ông cha ta từ ngàn xưa còn đọng lại - đã lắng sâu vào tâm hồn dân tộc, có rơi rụng nhưng vẫn được bảo tồn...”. Đó là những dòng đánh giá về công việc sưu tầm văn hóa dân gian của nhà thơ, nhạc sĩ Lê Giang trong bài viết "Người đi tìm ngọc" do nhà thơ Viễn Phương chắp bút. Đúng là công việc đi sưu tầm lời hát ru của hai vợ chồng nhạc sĩ đáng kính này gian nan, vất vả chẳng khác nào những người lên non xuống bể ngậm ngải tìm trầm.

Công trình “Hát ru Việt Nam” còn tập hợp những lời bình sâu sắc của các nhà văn Vũ Ngọc Phan, nhà thơ Xuân Diệu, Gamzatốp, GS Trần Văn Khê, nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu, nhà thơ Lê Giang... về hát ru và tập hợp những ca khúc biến thể từ hát ru.

Nữ nhạc sĩ kể: “Nhiều khi thấy một đoàn người lỉnh kỉnh máy móc tay xách nách mang cứ đi lân la dò hỏi khắp nơi, không chỉ công an mà chính quyền địa phương cũng cảm thấy có gì đó... bất thường. Có nhiều lần chúng tôi bị công an mời lên làm việc, có nhiều khi gặp tai nạn giao thông, có khi đi đò còn ngã lộn xuống sông... Nhưng để lại ấn tượng sâu đậm nhất vẫn là những người dân mà chúng tôi đã gặp. Họ nồng hậu, nhiệt tình, có bà cụ kia đêm nằm chợt nhớ ra một bài hát cổ, còn lật đật kêu con đi mời chúng tôi đến để hát cho nghe, tình cảm yêu quý không biết kể sao cho xiết”.

Một nỗi trở trăn lớn nhất của hai ông bà là hiện nay, có quá nhiều bà mẹ trẻ đang ru con bằng cách bật đĩa ca nhạc thiếu nhi, hay bật đĩa nhạc “giựt giựt”, lâu rồi đứa bé cũng ngủ nhưng thương làm sao khi đứa trẻ đã mất đi một cơ hội quý giá để được tiếp cận với văn hóa dân tộc, với lời hát ầu ơ và giai điệu mềm mại đã đồng hành nhiều thế hệ người Việt.