Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu: Mẹ là người thầy âm nhạc đầu tiên
Tôi rất thích lời ru của mẹ. Lời mẹ tôi mỗi khi ru con cất lên rất hay. Tôi nhớ rõ lúc tôi lên 7 tuổi, mẹ thường hát và ru em ngủ, sau này là lời bà ru cháu đã in đậm trong lòng tôi.
Bị cuốn hút vào những khúc hát ru con đằm thắm, những bài hát huê tình mượt mà và câu hò ứng khẩu tài tình của mẹ, tôi luôn thích thú lẩm nhẩm hát theo, để mãi mãi đọng lại trong ký ức tuổi thơ những câu ca dân dã. Không hề phóng đại nếu nói rằng mẹ tôi, với giọng hát ru truyền cảm chính là người thầy âm nhạc đầu tiên của tôi, người đã cho tôi những bài nhạc dân tộc mà tôi hồn nhiên “hấp thụ” từ mẹ trong tuổi ấu thơ.
Nhà nghiên cứu âm nhạc dân gian Bùi Trọng Hiền: Nét đẹp trong văn hóa ứng xử
Hát ru có tầm cữ âm vực khá hẹp, vừa đủ để truyền tải lời thơ, tạo cảm giác như ngâm ngợi trong một không gian yên bình. Ở đây, những giai điệu rộng mở khoáng đạt, lên bổng xuống trầm sẽ là bất hợp lý với cái đích ru trẻ ngủ. Một âm vực hẹp thật phù hợp với giọng hát của một người bình thường, khiến bất cứ ai cũng có thể hát ru dễ dàng mà không cần đến một sự rèn luyện đặc biệt.
Song song với mục đích ru trẻ ngủ đơn thuần, làn điệu hát ru là một cơ hội thuận tiện để người ta thỏa mãn nhu cầu nghệ thuật âm nhạc và thơ ca. Thông qua hát ru, mỗi người phụ nữ đều có thể bộc bạch nhiều tâm sự, kể cả những tâm tư tình cảm khó có thể nói bằng lời trong cuộc sống thường nhật. Sự bộc bạch tế nhị qua câu hát là một nét đẹp trong văn hóa ứng xử Việt Nam.
Nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Đình San: Nuôi dưỡng tâm hồn trẻ thơ
Trẻ thơ ngay từ khi lọt lòng mẹ, thậm chí từ khi còn là bào thai đã được sớm tiếp xúc với hát ru, một mặt sẽ nhanh chóng nảy nở năng khiếu âm nhạc vì do sớm được làm quen với những âm thanh trầm bổng, khoan nhặt trong lời ru; mặt khác sẽ tạo ngay cho trẻ những yếu tố dịu dàng, nhân hậu của tính cách, tâm hồn.
Nói đến hát ru là nói đến lòng bao dung, nhân hậu, sự dịu dàng, nhân ái, đến khát vọng được sống hoà bình, hạnh phúc, đến lòng mong mỏi cho trẻ thơ được yên ấm trong sự che chở của cuộc đời. Bản thân những người mẹ khi cất tiếng ru con cũng tức là tự nâng cao tâm hồn mình lên.
Chuyên gia tâm lý Lê Khanh: Trong tiếng hát ru phải có tình
Những người mẹ viện lý do không có giọng ca hay nên thường xuyên bật nhạc ru con có thể do không có nhiều thì giờ dành cho con. Cũng có thể họ rất quan tâm đến con nhưng không biết giá trị các biện pháp tương giao với con, và lời ru của mẹ là một trong những công cụ hữu ích...
Qua âm điệu trầm bổng và đặc biệt là mối tương giao yêu thương mà người mẹ thể hiện, trẻ sẽ cảm nhận được một cảm giác an toàn trong nội tâm. Vấn đề ở đây không phải là hát hay mà hát ru là “hát có tình”.
P.V