“Ngày 30.4, 1.5 là ngày lễ, cả nước được nghỉ. Nhưng nhóm của tôi đang nhận sơn 2-3 cái nhà, gia chủ hối thúc làm nhanh nên chắc ngày đó chúng tôi không được nghỉ”, chị Vũ Thị Hà (Gia Lộc, Hải Dương) vừa thoăn thoắt pha sơn, vừa giãi bày.
Chị làm trong các nhóm thợ tự do ở Hà Nội 10 năm nay, chưa năm nào chị biết nghỉ lễ 30.4, 1.5. Chỉ vì đơn giản ngày đó người Hà Nội được nghỉ và họ có nhu cầu sửa sang, dọn dẹp nhà cửa.
Chị Bùi Thị Hà với công việc nguy hiểm là sơn nhà trên độ cao từ 20-30m. |
Công nhân “3 không”
Không hợp đồng lao động, không có các ràng buộc về bảo hiểm, không biết tới quyền lợi ngày lễ, tết. Đó là tình cảnh của những lao động như chị Hà. Trong tháng 4.2012 này, nhóm của chị gồm 3 người: Vũ Thị Hà, Vũ Thị Hạnh, Ngô Thị Bích, đều quê ở Hải Dương nhận sơn 3 nhà ở đường Trung Kính (Hà Nội) qua một chủ thầu nhỏ.
“Chúng tôi làm ngày nào lĩnh công ngày đó, cứ 150.000 đồng/ngày. Nghỉ làm thì nghỉ ăn”- chị Hà nói.
Công việc của các chị thuộc diện “nghề nguy hiểm” khi phải treo mình lửng lơ giữa trời để sơn phủ bên ngoài toà nhà 2-4 tầng. Đồ nghề phục vụ công việc cũng khá thủ công, chỉ gồm một bệ ngồi bằng tre, buộc chênh vênh bằng dây thừng. Cứ sơn tới đâu, người đứng trên tầng thượng nới dây thừng xuống tới đó.
“Sơn bên trong thì an toàn hơn, chỉ cần leo giàn giáo, nhưng sơn ngoài thì bắt buộc phải làm thế này. Hà Nội đất chật người đông, ngõ hẹp bé tý, không thể làm giàn giáo nên phải làm cách đó”- chị Bích nói.
Nhìn các chị làm việc, chúng tôi không khỏi rùng mình vì quá nguy hiểm. Thế nhưng, chị Bích cười: “Sống chết có số, ở đây chúng tôi phải tự lo cho mình, có tai nạn chủ cũng chả bồi thường, chết thì thiệt thân”.
Từ quê ra phố làm việc như những công nhân thực thụ nhưng chị Hà, Hạnh, Bích chưa từng thấy cái hợp đồng lao động “mặt ngang mũi dọc” thế nào. Cho nên dễ hiểu là mọi quyền lợi đi kèm đều không có.
Làm việc chuyên nghiệp hơn 1 chút là nhóm chị em từ các xã Tản Hồng, Phú Châu (Ba Vì, Hà Nội) tại một công trường xây dựng nhà cao tầng ở đường Xuân Thuỷ (Cầu Giấy, Hà Nội). Công việc của các chị là dọn dẹp rác công trường. Tuy được ký hợp đồng lao động ngắn hạn (3-6 tháng) nhưng trong hợp đồng đó, các chị không được đàm phán bất cứ điều khoản nào, không có BHYT, BHXH.
“Lương của chúng tôi được 2 triệu đồng/tháng, cộng với một vài phụ cấp, mà họ thích là họ cắt. Muốn có thu nhập thêm, chúng tôi phải làm thêm cả buổi tối, cả ngày nghỉ, Chủ nhật. Nếu công trường tăng ca thì cả ngày lễ cũng không được nghỉ, mà cũng không được thêm lương”- chị Nguyễn Thị Quyên, 35 tuổi, nói.
Tại ngõ 31, phố Ô Chợ Dừa có nhóm lao động được khá nhiều chủ hàng biết đến. Khu vực này chuyên về hàng cơ khí, sắt thép nên nhu cầu lao động chở hàng, làm thời vụ khá cao. Nhận thấy làm ăn lẻ dễ bị bắt nạt, công việc không nhiều nên ông Nguyễn Tiến Vinh- có nhà trong ngõ 31 đã đứng ra gom lao động để điều phối công việc theo cách thức gần như điều hành taxi: Ông nhận đầu việc rồi gọi cho từng lao động đi làm.
Nhóm của ông có lúc lên tới hàng trăm người, tồn tại đã hơn 10 năm nay. Tuy được đánh giá là có tổ chức, có điều phối tốt, bản thân ông Vinh cũng từng cưu mang những lao động bị ốm, không thể đi làm… nhưng lao động vẫn cứ “3 không” và đối mặt với muôn vàn rủi ro.
“Ngoài vòng pháp luật”
Theo Bộ LĐTBXH, cả nước hiện có 54 triệu người trong độ tuổi lao động, nhưng chỉ có khoảng 15 triệu người có quan hệ lao động (tức là có hợp đồng lao động, có các ràng buộc về BHYT, BHXH…). Hiện Luật Lao động sửa đổi đang được Bộ LĐTBXH lấy ý kiến để trình Chính phủ trước khi đưa ra chương trình nghị sự của Quốc hội. Tuy nhiên, luật mới chỉ điều chỉnh 15 triệu lao động này, còn 39 triệu lao động thuộc diện “lao động tự do” hầu như chưa được luật “với” tới. Trong đó gồm toàn bộ nông dân, lao động làng nghề, lao động di cư tự do… những người như chị Hà, chị Hạnh, chị Quyên…
Về vấn đề này, ông Đặng Quang Điều - Viện trưởng Viện Công nhân - Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) nhận định: “Hiện nay Luật Lao động chưa thể bao phủ hết các đối tựơng lao động. Để bảo vệ người lao động ở khu vực lao động tự do thì có các hội, hiệp hội như hiệp hội làng nghề, các hợp tác xã… nhưng cách thức để bảo vệ họ cũng rất khó”.
Ông Điều nêu ví dụ, ngày lễ 30.4, 1.5, theo quy định là ngày nghỉ nhưng nếu chủ sử dụng lao động vẫn bắt làm, lương trả như bình thường thì cũng không ai giám sát, kiểm soát được
“Hiện chính sách hướng tới đối tượng này đang còn nhiều khoảng trống, cần có nghiên cứu để làm sao Luật Lao động có thể phủ rộng hơn”- ông Điều nói.
Ông Nguyễn Ngọc Thắng - Phó phòng Chính sách lao động (Sở LĐTBXH Hà Nội) cũng cho biết, khi xảy ra các vụ bạo hành giúp việc gia đình, Sở LĐTBXH cũng rất đau đầu bởi đó là lao động trên địa bàn nhưng không thể quản lý, bảo vệ. Tới khi sự việc xảy ra, mọi trách nhiệm lại trút lên đầu cơ quan lao động.
Bà Long bày tỏ: “Lao động tự do là lao động không có làm việc cố định cho chủ sử dụng lao động nào cả. Quản lý họ là vấn đề rất khó, phụ thuộc vào sự phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam. Chỉ khi nào có đủ khả năng quản lý thì mới có thể đưa ra được chính sách bởi nếu không, chính sách cũng không đi vào được cuộc sống”.
Huyền Thanh - Nguyễn Trang