Dân Việt

Mỹ và Philippines “bắt tay” chặt hơn

02/05/2012 06:03 GMT+7
(Dân Việt) - Cuộc hội đàm diễn ra tại trụ sở Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 30.4 (theo giờ Washington), đã đánh dấu bước tiến mới trong quan hệ đồng minh Mỹ - Philippines.

Các Bộ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng của Mỹ và Philippines đã tiến hành phiên họp chung đầu tiên giữa 2 nước và thảo luận về tình trạng bế tắc kéo dài 3 tuần qua ở bãi đá ngầm Scarborough trên Biển Đông. Mỹ khẳng định sẽ giúp Philippines xây dựng khả năng tuần tra biển nhưng sẽ không đứng về bên nào trong cuộc đối đầu giữa nước này với Trung Quốc ở Scarborough.

img
Các Bộ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng của Mỹ và Philippines tại cuộc họp báo sau hội đàm ngày 30.4.

Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton tái khẳng định cam kết của Mỹ đối với hiệp ước phòng thủ chung với Philippines và đối với quyền tự do đi lại cũng như an ninh trong khu vực. Bà Clinton tái khẳng định sự ủng hộ giải pháp ngoại giao cho các tranh chấp lãnh thổ. Tuyên bố chung giữa 2 bên khẳng định 2 nước sẽ hợp tác về việc xây dựng các khả năng đảm bảo an ninh biển của Philippines. Mỹ sẽ chuyển giao chiếc tàu thứ hai cho hải quân Philippines trong năm nay.

Trước đó, trong cuộc họp, Ngoại trưởng Alberto del Rosario và Bộ trưởng Quốc phòng Voltaire Gazmin của Philippines đã kêu gọi Mỹ và quốc tế trợ giúp trong việc xây dựng khả năng phòng thủ đáng tin cậy tối thiểu, đặc biệt trong việc duy trì an ninh biển. Tuy nhiên, trong cuộc họp báo sau hội đàm, các quan chức Philippines vẫn nhấn mạnh giải pháp ngoại giao để giải quyết tranh chấp.

Về phần mình, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Clinton nói với các phóng viên rằng, cuộc gặp mặt đầu tiên chưa có tiền lệ này là “một tuyên bố thay cho sự cam kết cùng chia sẻ của chúng tôi để viết một chương mới” trong quan hệ song phương.

Bà cũng bày tỏ quan ngại về những xung đột ở khu đá ngầm Panatag giữa Philippines và Trung Quốc mới đây, đồng thời khẳng định Washington không đứng về bên nào trong các tuyên bố chủ quyền, nhưng có lợi ích quốc gia liên quan tới việc duy trì tự do hàng hải, hòa bình và ổn định trong khu vực. Bà Clinton nói rằng: “Mỹ ủng hộ một tiến trình ngoại giao hợp tác của tất cả các bên liên quan để giải quyết nhiều tranh chấp mà họ đang đối mặt. Mỹ phản đối đe dọa sử dụng vũ lực bởi bất cứ bên nào để thực thi các tuyên bố chủ quyền”.

Giới phân tích cho rằng, có nhiều dấu hiệu cho thấy Philippines đã và đang đóng vai trò ngày càng lớn trong chiến lược trở lại châu Á-Thái Bình Dương, đặc biệt Đông Nam Á, của Mỹ.

Trong một diễn biến khác, một báo cáo mới đây của Cơ quan Nghiên cứu trực thuộc Quốc hội Mỹ coi mối quan hệ với Philippines là mối quan hệ cơ bản trong chính sách đối ngoại "trở lại" hoặc "tái cân bằng" tại châu Á, đặc biệt là Đông Nam Á của Mỹ.

Mặc dù căn cứ Subic bị đóng cửa, nhưng sự hiện diện quân sự của quân đội Mỹ tại Philippines lại tăng mạnh những năm gần đây. Ngoài các cuộc diễn tập quân sự chung hàng năm, Lầu Năm Góc thường xuyên duy trì khoảng 600 binh sĩ tại Philippines, trong đó nhiều sĩ quan Mỹ đang thực hiện nhiệm vụ huấn luyện giúp quân đội Philippines triển khai các kế hoạch chống khủng bố ở phía Nam. Chú trọng xây dựng các mối quan hệ quân sự với Philippines của Mỹ được thể hiện rõ trong nhiều tháng qua.