Theo đánh giá của các chuyên gia, trong tương lai lúa gạo sẽ trở thành mặt hàng đặc biệt được sản xuất theo đơn đặt hàng.
Sản phẩm ưu tiên của Nhà nước
Theo Bộ KHCN - đơn vị được giao nhiệm vụ chủ trì xây dựng “Chương trình phát triển SPQG đến năm 2020”: sản phẩm quốc gia (SPQG) là sản phẩm thuộc các lĩnh vực ưu tiên phát triển của Nhà nước, được sản xuất, chế tạo dựa trên các kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ với những nguyên lý công nghệ và ý tưởng thiết kế mới.
Việt Nam hiện có rất nhiều thương hiệu lúa, gạo nhưng chưa có sản phẩm mang tầm quốc gia. Trong ảnh: Giới thiệu sản phẩm gạo thơm đặc sản ST Sóc Trăng. |
Ông Nguyễn Đình Hậu – Phó Vụ trưởng Vụ Công nghệ các ngành kinh tế kỹ thuật (Bộ KHCN) cho biết: “Mục tiêu của chương trình này là hình thành, phát triển các sản phẩm hàng hoá mang thương hiệu VN bằng công nghệ tiên tiến, có khả năng cạnh tranh về tính mới, về chất lượng và giá thành dựa trên việc khai thác lợi thế so sánh về nhân lực, tài nguyên và điều kiện tự nhiên của đất nước...”.
Ông Hậu cũng cho biết, Bộ KHCN cùng với các bộ, ngành đang xúc tiến việc nghiên cứu và phát triển các SPQG theo hướng khuyến khích các doanh nghiệp đi đầu trong sản xuất các sản phẩm mang thương hiệu quốc gia. Từ đó, thương mại hoá sản phẩm và phát triển thị trường, hình thành ngành kinh tế, kỹ thuật dựa trên SPQG.
“Khi xây dựng định hướng sản phẩm, hầu hết các ý kiến đều nhất trí các sản phẩm nông nghiệp có lợi thế cạnh tranh, phục vụ cho quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp là ưu tiên hàng đầu, để từ đó có những chính sách hỗ trợ xây dựng thương hiệu, đủ sức cạnh tranh với thế giới” - ông Hậu cho biết.
Kết nối doanh nghiệp và nghiên cứu
Chương trình xây dựng SPQG, trong đó có sản xuất lúa gạo chất lượng cao, đã được Thủ tướng phê duyệt sẽ có nhiều ưu đãi đối với nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất. Theo đó, tuỳ từng đối tượng, Nhà nước sẽ hỗ trợ một phần hoặc toàn bộ chi phí cho việc chuyển giao công nghệ, đề tài nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ. SPQG còn được Nhà nước hỗ trợ kinh phí để mua bản quyền và công cụ phần mềm, giống cây trồng, vật nuôi, cũng như thiết bị, tài liệu kỹ thuật, thông tin sở hữu trí tuệ, bí quyết công nghệ…
Đối với dự án sản xuất thử nghiệm được Nhà nước xem xét hỗ trợ tối đa 50% tổng mức kinh phí đầu tư. Ông Nguyễn Đình Hậu cho biết: “Riêng với doanh nghiệp, tổ chức khoa học sản xuất SPQG sẽ được hỗ trợ vay vốn tối đa 85% tổng mức đầu tư của dự án, với mức lãi suất và thời hạn cho vay ưu đãi nhất. Ngoài ra, doanh nghiệp còn được ưu đãi về đất đai trong các khu, cụm công nghiệp công nghệ cao, hỗ trợ thuế và xúc tiến thương mại cho SPQG”.
4 sản phẩm thuộc lĩnh vực nông nghiệp
Theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Danh mục SPQG thực hiện từ năm 2012, có 9 sản phẩm thuộc Danh mục này, trong đó có 2 sản phẩm chính thức và 2 sản phẩm dự bị thuộc lĩnh vực nông nghiệp. Hai sản phẩm chính thức là: Sản phẩm lúa gạo VN chất lượng cao, năng suất cao; Sản phẩm vaccin phòng bệnh cho người và vật nuôi của VN và 2 sản phẩm dự bị là: Sản phẩm cá da trơn VN chất lượng cao và các sản phẩm chế biến từ cá da trơn; Sản phẩm nấm ăn và nấm dược liệu.
Theo nhận định, việc xây dựng SPQG đối với lúa gạo là một chủ trương đúng đắn để đưa ngành sản xuất lúa gạo nước ta có giá trị cao hơn. TS.Lê Văn Bảnh - Viện trưởng Viện Lúa đồng bằng sông Cửu Long đánh giá: “Trước đây, chúng ta đã nghiên cứu ra nhiều đề tài khoa học về giống, quy trình sản xuất kỹ thuật, nhưng có áp dụng được hay không lại là chuyện khác. Do đó, có thể nói việc lúa gạo được đưa vào xây dựng thành SPQG sẽ tạo sự liên kết tốt hơn giữa các viện nghiên cứu và doanh nghiệp”. Ông Bảnh dẫn chứng, khi xây dựng sản phẩm lúa gạo chất lượng cao, năng suất cao sẽ có sự phối hợp giữa các viện nghiên cứu với doanh nghiệp để triển khai sao cho phù hợp với tình trạng biến đổi khí hậu, nhất là có thể sản xuất, kinh doanh được.
Việc đưa lúa gạo vào Chương trình xây dựng SPQG, theo TS.Bảnh cũng tạo cơ hội tốt để xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm có trọng điểm, ngay cả lĩnh vực nghiên cứu cũng sẽ phải thay đổi nếu muốn tham gia vào chương trình này. “Ví như nghiên cứu giống cây trồng mới phải tiến tới có sự đặt hàng trước của doanh nghiệp, để ứng dụng vào thực tế chứ không chỉ đơn thuần là một công trình nghiên cứu khoa học chỉ để nghiên cứu nữa” - TS. Bảnh nói.
Trong khi đó, ông Phạm Văn Diễn - Cục trưởng Cục Phát triển Thị trường và doanh nghiệp KHCN (Bộ KHCN) nhận định: “SPQG chắc chắn phải được ưu tiên đặc biệt, vì khi xây dựng các sản phẩm này đã căn cứ trên đề xuất thực tế trong sản xuất, phát triển sản phẩm. Hiện các nước khác như Nhật Bản, Hàn Quốc… cũng dựa trên lợi thế của đất nước về vị trí địa lý, tài nguyên thiên nhiên, nhân lực để xác định và xây dựng thương hiệu SPQG”.
Thanh Xuân