Sự nổi giận của người Hồi giáo
Làn sóng giận dữ của cộng đồng Hồi giáo đối với Washington bắt đầu lan đi với tốc độ chóng mặt kể từ sau sự kiện tối 11.9, khi hàng trăm người biểu tình phóng hỏa thiêu rụi Lãnh sự quán Mỹ tại thành phố Benghazi, miền đông Libya.
Bên ngoài Đại sứ quán Mỹ tại Yemen hôm 13.9 |
Trong vòng vây lửa đạn của những người tấn công, Đại sứ Mỹ Christopher Stevens đã phải bỏ mạng trên đất khách. Ngoài ra, hai đặc vụ SEALs và một quan chức quản trị thông tin quốc tịch Mỹ cũng đã thiệt mạng.
Cùng ngày, những người biểu tình tại Ai Cập đã trèo tường vào Đại sứ quán Mỹ tại thủ đô Cairo, giật và đốt cờ Mỹ. Tình hình bạo lực chỉ kết thúc vào hai ngày hôm sau với sự can thiệp quyết liệt của lực lượng an ninh chính phủ Ai Cập.
Kế đến, ngày 13.9, hàng trăm người Yemen đã đập phá và trèo qua cánh cổng chính của tòa nhà Đại sứ quán Mỹ ở thủ đô Sanaa, vốn được canh phòng rất nghiêm ngặt.
Họ vừa đập nát cửa sổ, đốt cháy xe cộ, vừa hô vang khẩu hiệu: “Chúng tôi hi sinh vì Người, hỡi sứ giả của Chúa”, ám chỉ tới nhà tiên tri Mohammad mà họ tôn kính.
Hãng thông tấn AFP dẫn lời một quan chức an ninh Yemen cho biết, đã có 4 người thiệt mạng và 34 người khác bị thương trong các vụ đụng độ “từ sáng tới tối” giữa cảnh sát và người biểu tình bên ngoài Đại sứ quán Mỹ.
Các vụ tấn công bắt nguồn từ một bộ phim sản xuất tại Mỹ có chứa nội dung bị cho là “báng bổ đạo Hồi và đấng tiên tri Mohammad”. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng, bộ phim chỉ là “giọt nước làm tràn ly” trong quan hệ giữa Washington và cộng đồng Hồi giáo. Hay nói cách khác, những diễn biến gần đây có thể sẽ khiến chính phủ Mỹ phải trăn trở về chính sách bấy lâu của mình tại mảnh đất Trung Đông.
Tư tưởng bài Mỹ bị biến thành tâm lý bài phương Tây khi bạo lực bùng phát tại trụ sở Đại sứ quán Đức và Anh ở Sudan hôm 14.9 vừa qua. Lực lượng tổ chức tấn công là người đạo Hồi và lý do vẫn là vì bộ phim nói trên.
Chính khách và những đồn đoán
Giữa bối cảnh giới lãnh đạo Trung Quốc đang chuẩn bị cho một cuộc chuyển giao quyền lực vào tháng tới, việc Phó Chủ tịch nước Tập Cận Bình “mất tích” suốt hai tuần lễ đã làm dấy lên không ít lời đồn đoán.
Phó Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình |
Trong thời gian vắng bóng, ông Tập Cận Bình đã hủy các cuộc tiếp xúc cấp cao với các chính trị gia quốc tế bao gồm: Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton, nữ Thủ tướng Đan Mạch Helle Thorning-Schmid, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long và một quan chức cấp cao của Nga.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc từng giải thích lý do khiến ông Tập Cận Bình hủy cuộc gặp với bà Hillary Clinton là vì ông bị đau lưng. Tuy nhiên, chừng ấy là chưa đủ để dập tắt những đồn đoán từ phía giới truyền thông và dư luận quốc tế. Rất nhiều đồn đoán đã được đưa ra sau “sự mất tích bí ẩn” của ông Tập.
Tờ Boxun viết bằng tiếng Trung có trụ sở tại Mỹ và tờ Want China Times của Đài Loan cùng cho rằng, ông Tập Cận Bình đã bị thương trong một vụ tai nạn giao thông có chủ đích, nằm trong kế hoạch ám sát mà thế lực đứng sau có thể liên quan tới bê bối của cựu Bí thư Thành ủy Trùng Khánh Bạc Hy Lai.
Want China Times cho biết thêm, hiện ông Tập đang được điều trị tại Bệnh viện Quân y 301 và phòng của ông đang được canh gác hết sức cẩn mật.
Phải tới ngày 15.9, hãng thông tấn chính thức Tân Hoa Xã mới phần nào dẹp bỏ những hoài nghi về tình hình sức khỏe của ông Tập Cận Bình khi đưa tin, ngài Phó Chủ tịch nước đã có chuyến thăm tới trường Đại học Nông nghiệp Trung Quốc ở thủ đô Bắc Kinh để tham gia vào các hoạt động kỷ niệm Ngày Phổ cập Khoa học Quốc gia.
Bức ảnh duy nhất đăng tải trên website chính phủ Trung Quốc cho thấy hình ảnh ông Tập mặc áo vest đen, sơ mi trắng và khẽ cười khi đang đi một vòng khuôn viên trường đại học.
Tuy nhiên, bản tin vắn của Tân Hoa Xã không nêu lý do vì sao ông không xuất hiện trước công chúng trong suốt hai tuần lễ kể từ hôm 1.9 vừa qua.
Một chính khách khác cũng đang trở thành tâm điểm của những đồn đoán là cố Bộ trưởng Dịch vụ Tài chính và cải cách Bưu chính Nhật Bản Tadahiro Matsushita.
Ông Tadahiro Matsushita, 73 tuổi, được phát hiện trong tư thế treo cổ tại dinh thự ở thủ đô Tokyo, Nhật Bản vào lúc gần 5h chiều 10.9 (giờ địa phương).
Cảnh sát kết luận đây là một vụ tự sát sau khi tìm thấy các lá thư tuyệt mệnh mà ông Matsushita gửi cho vợ, Thủ tướng Yoshihiko Noda và các thành viên nội các.
Điều gây tranh cãi là: vụ tự tử diễn ra hai ngày trước khi một tờ tạp chí khổ nhỏ của Nhật Bản đăng tải bài viết phanh phui chuyện tình bí mật giữa ông Matsushita và một phụ nữ.
Từ đó, xuất hiện đồn đoán rằng, ông Matsushita tự tử vì không muốn hứng chịu búa rìu dư luận ngay khi bê bối ngoại tình của chính trị gia 73 tuổi này xuất hiện trên tạp chí Shukan Shincho.
Thu Thảo (tổng hợp)