Dân Việt

Tiếp vụ "Dân phải “làm luật” mới bán được mía": Sẽ thu mua hết mía

04/05/2012 10:37 GMT+7
(Dân Việt) - Báo NTNN và Dân Việt đã thông tin về việc nhiều hộ dân trồng mía ở Thanh Hóa muốn bán mía cho Công ty CP Mía đường Lam Sơn phải “làm luật”.

Để làm rõ hơn vấn đề này, hôm qua 3.5, phóng viên NTNN đã trao đổi với ông Nguyễn Đình Xứng - Giám đốc Sở NNPTNT Thanh Hóa. Ông Xứng cho biết: “Chúng tôi đã nắm được sự việc trên và đã có nhiều cuộc làm việc với Công ty CP Mía đường Lam Sơn để tìm biện pháp tháo gỡ. Phía công ty đã đưa ra giải pháp là, tiếp tục mua mía với giá 1,05 triệu đồng/tấn với tất cả các loại mía, kể cả mía chỉ còn 4 – 5% lượng đường trong mía khi vận chuyển đến nhà máy. Đồng thời tiến hành hỗ trợ người dân về phân bón để kịp thời chăm sóc mía gốc, mía mới trồng phục vụ cho niên vụ tiếp theo”.

img
Hàng trăm đống mía đang đắp đống, phơi nắng ở huyện Ngọc Lặc, Thọ Xuân…

Ông Xứng khẳng định: “Hàng tuần, chúng tôi đều theo dõi tình hình mua mía của công ty này và yêu cầu họ tiếp tục có các biện pháp hỗ trợ nông dân, hiện tình hình đã khả quan hơn”.

Trong khi đó, bà Lê Thị Nhi - Trưởng phòng NNPTNT huyện Ngọc Lặc, nơi đang còn tồn hàng nghìn tấn mía cho biết: “Toàn huyện có khoảng 4.500ha mía, như những năm trước đến thời điểm này đã thu hoạch xong, nhưng năm nay mới thu hoạch được khoảng 50%. Mía quá thời gian thu hoạch dân đến nhiều diện tích mía khô rỗng ruột, lượng đường trong mía rất thấp.

Hơn nữa khi người dân chặt ra, nhà máy không kịp bốc và hàng trăm tấn mía tiếp tục phơi nắng nhiều ngày dẫn đến sản lượng, chất lượng và giá trị của cây mía bị giảm rất mạnh, có thể thiệt hại lên đến hàng trăm triệu đồng”.

Theo bà Nhi, ngoài nguyên nhân do Công ty CP Mía đường Lam Sơn chậm đưa vào sản xuất nhà máy số 2 (công suất 8.000 tấn/ngày – PV), còn có nguyên nhân khác là, do công ty không chịu “chia sẻ” nguyên liệu với các nhà máy khác trong vùng. “Trước nguy cơ có thể bị tồn đọng mía, mía quá lứa gây thiệt hại kinh tế cho người dân, Sở, Phòng NNPTNT huyện cũng đã đề nghị công ty chia sẻ nguyên liệu cho các nhà máy khác, nhưng lãnh đạo công ty chưa đồng ý” – bà Nhi nói.

Trao đổi với NTNN, ông Phạm Văn Chinh – Chủ tịch Công đoàn Công ty CP Mía đường Lam Sơn khẳng định, tới ngày 25.5, công ty sẽ thu mua hết mía cho dân. Song theo đánh giá của Phòng NNPTNT huyện Ngọc Lặc, với lượng mía còn tồn nhiều như hiện nay, kế hoạch trên sẽ rất khó thực hiện.