Nhờ đó, trong 10 năm qua, Hội ND các cấp ở TP.HCM đã chủ động phối hợp trong thực hiện tuyên truyền phổ biến pháp luật cũng như trợ giúp pháp lý cho hội viên nông dân. Kết quả, Hội ND trực tiếp thực hiện hòa giải ở cơ sở với số lượng 26.078 đơn, trong đó: Hòa giải thành 16.553 đơn (đạt 63,47%), không thành 7.197 đơn và vận động rút đơn được 2.328 trường hợp.
Cạnh đó, Hội ND TP.HCM đã đấu tranh bảo vệ quyền lợi cho nông dân nuôi trồng thủy sản ở Cần Giờ bị thiệt hại do Vedan gây ra được bồi thường 45,7 tỷ đồng cho 915 hộ. Đầu năm 2011, Hội ND đã đề xuất cơ quan điều tra khởi tố vụ án, khởi tố bị can Nguyễn Thị Nhàng (xã Phước Thái, Long Thành, Đồng Nai) về hành vi lừa đảo chiếm đoạt 8 tỷ đồng thông qua môi giới xuất khẩu lao động của 53 hộ nông dân Củ Chi...
Ông Phạm Văn Đứng - Chủ tịch Hội ND huyện Nhà Bè cho biết, trong các loại khiếu nại, tố cáo của nông dân thì nhiều nhất vẫn là việc áp giá đền bù không hợp lý. “Đơn cử, dự án làm cảng Sài Gòn tại huyện Nhà Bè mà áp giá đền bù chỉ 97.000 đồng/m2 trong khi chưa có chỗ tái định cư cho dân thì ai mà chịu được” - ông Đứng nói.
Ông Nguyễn Văn Phụng - Chủ tịch Hội ND TP.HCM nhận xét: Việc các cấp Hội ND tham gia hòa giải thành đạt 63,47% là khá hiệu quả. Đề nghị các cấp Hội ND quan tâm, chú ý đến công tác hòa giải trong khiếu nại, tố cáo của nông dân hơn nữa. Cạnh đó, việc nông dân đi khiếu nại, tố cáo nhiều trong lĩnh vực đất đai về giá đền bù không hợp lý cũng là dễ hiểu vì đất đai gắn liền với cuộc sống của họ.
Đơn cử, Dự án Khu công nghiệp Đông Nam (Củ Chi) áp giá đền bù cho dân theo giá năm 2006, lạc hậu 6 năm rồi nên dân bức xúc là phải. “Đề nghị ở những nơi mà Hội ND chưa có chân trong Ban bồi thường thì phải tham gia ngay từ đầu để nắm vững chính sách, pháp luật nhằm giải thích cho nông dân hiểu và bảo vệ hiệu quả quyền lợi nông dân” – ông Phụng nói.
Trọng Mạnh