Liệu những kế hoạch tấn công mà Triều Tiên ấp ủ có trở thành một cuộc chiến tranh như lời Triều Tiên nói, hay đó chỉ là một "cuộc chiến của ngôn ngữ”?
Trong động thái mới nhất, ngày 26.3, Triều Tiên đã đe dọa sẽ tấn công tất cả các mục tiêu ở các căn cứ phòng thủ trên đất liền của Mỹ cũng như ở Hawaii và Guam. Phía Mỹ đã tỏ ý quan ngại trước lời đe dọa này, nhưng vẫn cho rằng, đó là hành động khiêu chiến quá khích.
Mỹ cũng cho rằng, hàng loạt các mối đe dọa trong tháng này của nhà lãnh đạo Kim Jong Un đã làm cho tình hình trên bán đảo Triều Tiên trở nên đáng lo ngại hơn. Về phản ứng của Trung Quốc trước những lời đe dọa của Bình Nhưỡng, ngày 27.3, nhật báo JoongAng dẫn lời một quan chức cấp cao thuộc văn phòng tổng thống Hàn Quốc cho biết Trung Quốc trước đó đã thông báo với Hàn Quốc lập trường cứng rắn hơn của Bắc Kinh về hành động trừng phạt Triều Tiên do hàng loạt hành động hiếu chiến.
Binh lính Triều Tiên trong một cuộc diễu hành |
Theo nguồn tin, Hàn Quốc đang trao đổi với Trung Quốc về những biện pháp trừng phạt, trong đó có việc đình chỉ các chuyến tàu chở dầu tới Triều Tiên và tăng cường hoạt động giám sát ở khu vực biên giới Trung Quốc - Triều Tiên.
Cùng ngày, Chính phủ Nhật Bản đã lên án việc Triều Tiên đưa ra tuyên bố mang tính khiêu khích, đồng thời tuyên bố Nhật Bản được đặt trong tình trạng báo động toàn diện trước mọi tình huống bất ngờ. Nhật Bản cũng cho biết, Tokyo sẽ đặt các đơn vị tên lửa chiến lược và các đơn vị pháo binh tầm xa trong "tình trạng báo động cao nhất".
Trong khi đó, giới phân tích cho rằng, có vẻ như nhà lãnh đạo trẻ của CHDCND Triều Tiên này đang thể hiện tài năng hùng biện của mình bằng việc đưa ra những lời đe dọa, hơn là hành động thực tế.
Các hãng truyền thông lớn thế giới đã tổng hợp lại chuỗi các cột mốc hù dọa của CHDCND Triều Tiên. Theo đó: Tháng 3.2012, trong khi Hàn Quốc tổ chức một hội nghị thượng đỉnh hạt nhân quốc tế tại Seoul, thì Bình Nhưỡng thông báo đã đưa một tên lửa tầm xa vào một bệ phóng.
Sau một thời gian tung hỏa mù, đến tháng 4.2012, bất chấp cảnh báo của Mỹ và cộng đồng quốc tế, Bình Nhưỡng đã bất ngờ phóng thử tên lửa hạt nhân, tuy nhiên lần này đã thất bại. Tháng 8.2012, ông Kim Jong Un đã đi thăm đơn vị quân đội đã nhắc lại vụ tấn công trên đảo Yeonpyeong, đồng thời nhắc nhở quân đội sẵn sàng cho một “cuộc chiến tranh thần thánh” đối với Seoul.
Tháng 10.2012, Bình Nhưỡng tiếp tục tuyên bố đã phát triển tên lửa có thể đạt đến lục địa Mỹ. Tháng 12.2012, Kim Jong Un công bố kế hoạch phóng vệ tinh nhưng thực tế đó là một vụ phóng hạt nhân trá hình và Bình Nhưỡng đã thành công trong vụ phóng đó. Tháng 1.2013, Triều Tiên thông báo đang lên kế hoạch thử nghiệm hạt nhân và phóng tên lửa tầm xa mới, trong đó nó nói là một phần của một giai đoạn mới của cuộc đối đầu với Mỹ.
Tháng 2.2013, Triều Tiên thực hiện một cuộc thử nghiệm bom hạt nhân dưới lòng đất khiến cộng đồng quốc tế phản ứng dữ dội. Tháng 3.2013, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thông qua các biện pháp trừng phạt mạnh mẽ hơn nhằm vào các vụ thử hạt nhân của Triều Tiên. Kể từ đầu tháng 3 đến nay, Bình Nhưỡng liên tiếp đưa ra những lời đe dọa tấn công và không ai đoán trước được “trò chơi ú tim” của Bình Nhưỡng sẽ kết thúc ra sao.
Trong một diễn biến liên quan, hãng tin Yonhap của Hàn Quốc ngày 27.3 dẫn nguồn tin quân đội nước này cho biết Quân đội Hàn Quốc đã dỡ bỏ báo động cao nhất gần khu vực biên giới phía Bắc khi không phát hiện thấy những dấu hiệu xâm nhập từ phía Triều Tiên.
Theo tin này, quân đội Hàn Quốc sáng sớm cùng ngày đã ban bố báo động trên sau khi phát hiện thấy một "vật thể không xác định" ở khu vực biên giới. Một binh sĩ Hàn Quốc làm nhiệm vụ tại tiền tuyến ở huyện Hwacheon thuộc tỉnh Gangwon, phía Đông Bắc Seoul, đã ném một quả lựu đạn về phía "vật thể khả nghi" trên hàng rào biên giới với Triều Tiên.
Quang Minh