Do đó, việc tổ chức phải được diễn ra một cách đầy đủ theo nghi thức truyền thống. Các nghi lễ trong tang ma của người Hà Nhì được thực hiện theo từng bước sau:
- Báo tin cho dân bản:
Sau khi người già ngừng thở, con cháu trong gia đình chia nhau đi báo cho các gia đình trong thôn bản. Người đi báo tin phải đội khăn trắng trên đầu, chân đi đất. Đầu tiên là báo với già làng trưởng bản, sau đó là đến các hộ gia đình khác. Khi vào tới trong sân, người báo tin nói: "ông cụ (bà cụ) nhà tôi không muốn ở với chúng tôi nữa nên đã ra đi rồi, giờ mời ông bà đến giúp đỡ". Sau khi được báo, gia đình cử người đến giúp, đàn ông đến giúp các việc liên quan đến nghi lễ tổ chức, phụ nữ lên rừng địu củi, lấy rau giúp tang chủ.
- Chọn ngày khâm liệm:
Trước khi liệm chủ nhà phải xem ngày tốt để liệm người chết, việc xem ngày căn cứ vào tuổi của người quá cổ để chọn. Những ngày kiêng liệm người chết vào quan tài bao gồm: Ngày con Rồng "Lo no"; Ngày con Khỉ "nhợ no"; Ngày con Hổ "trà no"; Ngày con Rắn "xê no"; Ngày con Dê "du no"; Ngày con Lợn "gạ no".
Ví dụ: Người chết sinh vào ngày con trâu thì kiêng liệm vào ngày con hổ...
Ngoài các con vật này ra thì họ còn kiêng cho vào quan tài các ngày lẻ là 1, 3, 7. Đồng thời kiêng liệm người chết trùng với ngày sinh của tất cả mọi người trong gia đình. Họ cho rằng liệm người chết vào những ngày kiêng thì hồn của con cháu còn sống sẽ đi theo người chết về với các cụ, như vậy con cháu sẽ chết theo.
- Nghi thức tắm và khâm liệm:
Nước tắm cho người chết là nước đã được nấu sôi, sau đó mang rửa sạch mặt mũi, chân tay người cho người chết và thay quần áo mới cho người quá cố. Sau khi tắm rửa xong, con cháu chải lại đầu tóc, quấn cho người chết một chiếc khăn "u tụ" truyền thống nhằm đưa người chết về với tổ tiên, giúp tổ tiên nhận ra con cháu.
Sau khi mặc quần áo mới cho người chết, con cháu chuẩn bị quan tài và các vật cần thiết để liệm người chết. Con cháu lấy ba đoạn dây mây "khò lè", ba đoạn cây lanh "zự zha", ba đoạn ngắn cỏ gianh "ù nhì" lấy ngay trên mái nhà nhằm chia cho người chết mang theo về với tổ tiên. Cây lanh và cây mây được đặt ngang xuống đáy quan tài, tiếp theo họ sẽ đặt đệm bông "khu đà" lên trên, cuối cùng là đặt người chết lên trên chăn bông.
- Nghi lễ chọn đất chôn:
Chọn đất mai táng là một nghi lễ quan trọng đối với mỗi gia đình người Hà Nhì và với bản thân của người quá cố.
Theo phong tục, việc chọn đất mai táng phụ thuộc vào linh hồn của người chết, theo quan niệm thì linh hồn của người chết hiện diện vào trong quả trứng mà con cháu mang theo đi chọn đất chôn. Khi chọn được chỗ đất ưng ý, người đi tìm đất sẽ ném quả trứng ra giữa bãi đất, nếu trứng vỡ thì người chết muốn chôn ở đây, nếu không vỡ thì người chết muốn chọn chỗ khác và việc tìm đất chôn này được thực hiện đến khi nào hồn người chết ưng thuận thì thôi.
Họ cho rằng, nơi chôn cất người chết có ảnh hưởng rất lớn đến sự thịnh suy của mỗi gia đình người Hà Nhì, nên việc chọn lựa chỗ chôn là rất quan trọng, được con cháu thực hiện hết sức nghiêm túc.
- Chọn ngày tốt đưa người chết đi mai táng:
Ngày đưa đi mai táng cũng kiêng kỵ như ngày khâm liệm, họ kiêng những ngày như: ngày lợn "gạ no", ngày hổ "trà no", ngày rồng "lò no", ngày dê "du no", ngày khỉ "nhợ no", ngày rắn "xê no". Ngoài ra họ còn kiêng các lẻ như 1, 3, 7.
Nhưng ngày lẻ 5, 9 thì lại không kiêng, có thể khâm liệm và đi chôn được. Bên cạnh đó ngày mai táng người chết còn phụ thuộc vào mùa xuân, hạ, thu, đông, mỗi tháng lại được thể hiện bằng các ngày tương ứng với tên của các con vật, như chuột "pho no", trâu "nhùy no", hổ "trà no", thỏ "tha no", rồng "Lò no", người "se no", ngựa "lò no", dê "du no", khỉ "nhợ no", gà "ha no", chó "kờ no", lợn "ga no"...
Trong các mùa, mỗi mùa họ lại kiêng chôn vào một ngày như: mùa xuân - kiêng ngày con ngựa "lò no", mùa hè - kiêng ngày con chuột, mùa thu -kiêng ngày con thỏ "tha no", mùa đông - kiêng ngày con chó "kờ no". Họ quan niệm rằng nếu mai táng cho người chết vào những ngày kiêng kỵ này thì hồn của người sống sẽ đi theo hồn của người chết về với tổ tiên, người sống sẽ chết theo.
- Nghi lễ trong tang ma:
Các nghi lễ trong đám tang được con cháu thực hiện trong suốt thời gian từ khi tắt thở đến khi đưa đi mai táng. Sau khi khâm liệm, quan tài được ở gian bên cạnh của ngôi nhà, hằng ngày con cháu chỉ thực hiện việc dâng cúng trong gian giữa của ngôi nhà, không thực hiện việc dâng cũng ở nơi đặt áo quan, mà ở đấy họ chỉ đặt một cái đèn dầu để soi sáng suốt ngày đêm. Việc làm lễ dâng cơm, rượu cho người chết chủ yếu do người con trai cả hoặc người con trai mà người chết khi còn sống ở cùng thực hiện. Mỗi ngày 3 lần làm lễ dâng cơm rượu vào sáng, trưa và tối.
Trong ngày lễ tang con cháu tổ chức nghi thức mổ trâu, lợn, gà để làm lễ dâng cho hồn người chết mang theo về với tổ tiên. Nghi lễ mổ trâu được thực hiện sau nghi lễ mổ lợn dâng cúng, lợn mổ xong cũng chỉ cần cắt một miếng gan, tim và thịt nạc vai hoặc mông để dâng cúng, còn lại mang nấu ăn cho mọi người đến giúp đỡ. Nghi lễ mổ trâu đối với người Hà Nhì ở Lào Cai chủ yếu được thực hiện với những người chết do già yếu, là những người có con cháu đầy đủ, những gia đình có điều kiện kinh tế khá giả.
Trước khi mổ trâu, con cháu phải tập trung quỳ lạy tại bãi mổ trâu để làm lễ dâng hồn trâu cho người chết. Những người giúp lấy dây buộc bốn chân trâu vật ngã xuống, người con cả lấy nước sạch từ nguồn nước làm lễ rửa sạch cho trâu, sau đó dùng rơm buộc chặt mõm trâu lại để không kêu khi bị giết. Sau kho mổ trâu xong, người con cả cắt lấy một ít thịt mông, một miếng gan, một miếng tim mang đi nấu để dâng cúng hồn người chế biến để thết đãi dân bản đã giúp đỡ gia đình và thết đãi những người hôm sau sẽ giúp gia đình đưa người chết về nơi an nghỉ cuối cùng.
Người Hà Nhì quan niệm rằng, việc dâng hiến hồn trâu cho người chết là rất quan trọng, bởi ở thế giới của tổ tiên mọi người vẫn sinh sống, vẫn canh tác giống như ở thế giới hiện tại. Do đó, việc dâng hiến trâu không chỉ là một nghi lễ truyền thống, mà còn sự chia sẻ tài sản của con cháu đối với người đã khuất mang về với thế giới của tổ tiên, khi về bên ấy vẫn có trâu cày kéo.
- Nghi lễ mai táng:
Ngày mai táng người chết, con cháu làm lễ dâng cúng hồn người chết cả ở trong nhà và ở ngay đầu của quan tài, mọi thứ được đặt lên trên các mảnh lá chuối đã rửa sạch. Sau đó dân làng giúp gia đình chuyển áo quan đến đất trống giữa bản để chuẩn bị kiệu khiêng đi mang táng.
Dẫn đầu đoàn đưa tang là đoàn ngựa rước hồn người chết, số ngựa có thể là 8 hoặc 10 con tùy thuộc vào số thông gia và bạn thân của người quá cố. Trong đoàn ngựa rước, có một con được đóng yên cương đầy đủ và những vật dụng cần thiết để người chết cưỡi, đây là con ngựa mà khi sống ông cụ đã nuôi và cưỡi nó.
Những con còn lại là hồn của những người bạn quá cố, những người thông gia đã mất và còn sống, mỗi con ngựa có một người dắt. Trên đường đưa người chết về với tổ tiên, đoàn rước nghỉ một lần giữa đường để con cháu làm lễ dâng cúng hồn người chết, đồng thời đoàn rước cũng nghỉ ngơi lấy sức để tiếp tục rước đi.
Đoàn rước đưa linh cữu đến tới huyệt, sau khi linh cữu được đặt yên bên miệng huyệt mọi người cùng chạy thật nhanh về bản, chỉ còn lại con cháu và một số người thân thiết ở lại để làm thủ tục hạ huyệt và mai táng người chết. Người con cả lấy đồng bạc trắng chặt làm 3 mảnh đặt xuống huyệt ở 3 vị trí khác nhau dọc theo huyệt, ở giữa đặt một chiếc phên nứa nhỏ đan hình mắt cáo. Sau đó mới hạ quan tài xuống và cùng nhau lấp đất, cuối cùng là nghi lễ cúng tại mộ để con cháu quay về, hẹn 3 năm sau sẽ làm lễ tảo mộ và rước hồn người chết về bàn thờ tổ tiên.
Nếu mai táng vào ngày không đẹp, con cháu lấy một thân tre dài, đục rỗng ở giữa và cắm sâu từ trên mộ xuống đến quan tài để hồn người chết hằng ngày về nhà, con cháu vẫn phải cúng tế. Đến khi nào họ chọn được ngày đẹp thì con cháu sẽ làm lễ cúng và rút ống tre ra, lấp mộ lại kết thúc nghi lễ tang ma.