Dân Việt

Giống cơ chế xin - cho, nhưng...

Ngọc Minh (thực hiện) 16/09/2013 11:52 GMT+7
Bộ Công Thương vừa ban hành quy hoạch thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo, trong đó quy định cụ thể từ nay đến năm 2015 sẽ kiện toàn, ổn định số lượng thương nhân, đảm bảo có tối đa 150 đầu mối xuất khẩu gạo. Xung quanh quy hoạch này, vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều.
Trước đó, trả lời báo chí, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh (ảnh) cho rằng, trong bối cảnh xuất khẩu gạo đang gặp nhiều khó khăn như hiện nay, rất cần có một quy hoạch để điều chỉnh, cân đối lại hoạt động sản xuất cũng như xuất khẩu kinh doanh lúa gạo. Quy hoạch thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo được xây dựng trên nguyên tắc xác định kinh doanh xuất khẩu gạo là ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Những doanh nghiệp (DN) hoạt động trong lĩnh vực này phải đảm bảo có đầy đủ năng lực đáp ứng được yêu cầu cạnh tranh ngày càng khốc liệt trong thương mại gạo quốc tế hiện nay, trong khi vẫn làm tròn sứ mạng bảo đảm an ninh lương thực quốc gia và lợi ích của người tiêu dùng trong nước lẫn người nông dân sản xuất lúa.

Quy hoạch thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo được xây dựng trên nguyên tắc  xác định kinh doanh xuất khẩu gạo là ngành nghề kinh doanh có điều kiện.
Quy hoạch thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo được xây dựng trên nguyên tắc xác định kinh doanh xuất khẩu gạo là ngành nghề kinh doanh có điều kiện.

Bộ căn cứ vào đâu để định ra con số 150 đầu mối xuất khẩu gạo, thưa ông?

- Quy mô sản xuất lúa gạo của chúng ta hàng năm khoảng 7 – 8 triệu tấn gạo hàng hóa, thế nhưng có thời điểm có đến gần 300 DN tham gia xuất khẩu gạo. Trong đó có rất nhiều DN không có đủ năng lực về hệ thống hạ tầng, kho chứa, nhà máy xay xát, đánh bóng để chủ động được nguồn gạo, cũng như không có đủ năng lực trong việc đàm phán các hợp đồng xuất khẩu gạo. Từ đó dẫn đến hiện tượng có nhiều DN làm ăn theo kiểu ngắn hạn, đặc biệt là cạnh tranh không lành mạnh, gây ảnh hưởng xấu đến giá xuất khẩu cũng như thương hiệu gạo Việt Nam. Năm 2010, Nghị định 109/2010/NĐ-CP (NĐ109) ra đời đã quy định lúa gạo là ngành kinh doanh có điều kiện và dựa vào các điều kiện đó, cho đến nay đã có 100 DN được cấp giấy phép xuất khẩu gạo.

Tuy nhiên vẫn còn một số DN khác tiếp tục có nhu cầu đề nghị xin cấp giấy phép bổ sung. Họ cũng chứng minh có đầy đủ năng lực theo NĐ109 yêu cầu dưới sự xác nhận của địa phương. Số lượng này còn khoảng trên dưới 50 DN. Từ thực tế đó, Bộ Công Thương đã đề xuất lên Chính phủ và được Chính phủ phê duyệt từ nay đến năm 2015 duy trì ở mức 150 đầu mối xuất khẩu gạo.

Thời gian qua có tình trạng để có được giấy phép xuất khẩu gạo, nhiều DN đã đối phó bằng cách thuê kho, thuê cơ sở xay xát… Vậy việc đánh giá DN có đủ năng lực để được cấp giấy phép dựa trên cơ sở nào. Ai là người kiểm tra, giám sát, thưa ông?

- Yếu tố và tiêu chí liên quan đến kho tàng, cơ sở xay xát… đã được quy định rất cụ thể trong NĐ109 và đặc biệt là trong Thông tư 12 của Bộ NNPTNT vừa ban hành tháng 8 vừa qua, là do Bộ NNPTNT quản lý và có phân cấp triển khai kiểm tra, giám sát cho chính quyền địa phương. UBND các tỉnh và các sở công thương, sở NNPTNT có trách nhiệm theo dõi, giám sát và kiểm tra hồ sơ của các DN và có xác nhận vào đó, sau đó mới gửi lên Bộ Công Thương xem xét cấp giấy phép xuất khẩu gạo bổ sung thêm 50 DN trong tháng 9 này.

Như vậy việc xin giấy phép này khác gì cơ chế xin – cho?

- Ở đây chúng ta xây dựng quy hoạch thương nhân kinh doanh, xuất khẩu gạo với những yêu cầu rất cụ thể về các tiêu chí xem xét cấp giấy phép xuất khẩu gạo, thì đúng, đây giống như cơ chế xin – cho. Nhưng nếu cái xin – cho này công bằng, khách quan, trong sáng, đúng nguyên tắc và đảm bảo được hiệu quả sản xuất kinh doanh lúa gạo thì cũng không phải là xấu. Cụ thể ở đây, cái xin – cho này có tiêu chí và cơ chế phân cấp trách nhiệm rất rõ ràng cho chính quyền cùng sở công thương, sở NNPTNT các địa phương như đã nói ở trên. Để các đơn vị này từ kinh nghiệm nắm bắt được trong thực tiễn, trong hoạt động sản xuất kinh doanh của DN và trong sản xuất nông nghiệp ở địa phương mà có cơ sở đề xuất lên Bộ Công Thương xem xét việc cấp giấy phép cho DN.

Thế nhưng trong NĐ109 không hề quy định DN phải có vùng nguyên liệu để được cấp giấy phép xuất khẩu, trong khi trong quy hoạch mà Bộ Công Thương vừa ban hành lại có. Có phải Bộ Công Thương đã vượt cấp, làm trái NĐ109?

Bộ Công Thương dự kiến sẽ ban hành lộ trình xây dựng vùng nguyên liệu, hợp tác, liên kết, đặt hàng với nông dân sản xuất lúa cho DN thực hiện trong quý II/2014. Theo quy hoạch thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo thì sau khi có quy định về lộ trình thực hiện, nếu DN không thực hiện sẽ bị thu hồi giấy phép xuất khẩu gạo.


- Đúng là NĐ109 không quy định DN phải có vùng nguyên liệu nhưng đây là 1 nội dung quan trọng trong chủ trương mới của Chính phủ và cũng đang tiếp tục được Chính phủ chỉ đạo cho các bộ ngành, trong đó có Bộ NNPTNT tiếp tục hoàn thiện, xây dựng lộ trình cũng như kế hoạch thực hiện. Chính vì vậy đây là tiêu chí mới mà Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương đưa vào trong quy hoạch thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo để bổ sung thêm cho NĐ109. Nó được xem như một điều kiện ưu tiên để cấp giấy phép và duy trì giấy phép cho DN xuất khẩu gạo. Đây chính là biện pháp mà chúng tôi cho rằng sẽ giải quyết về cơ bản yếu tố bền vững trong sản xuất kinh doanh lúa gạo, tức là phải bảo đảm yếu tố đầu ra của thị trường. Điều này còn thể hiện tính trách nhiệm cũng như sự gắn kết chặt chẽ hơn giữa công tác thị trường với sản xuất nông nghiệp, giữa đội ngũ DN xuất khẩu và người nông dân.

Tuy nhiên, chúng tôi cũng xác định đây là một nhiệm vụ nặng nề nên phải có lộ trình thực hiện. Bộ Công Thương sẽ có trách nhiệm cùng Bộ NNPTNT phối hợp với các ban ngành và địa phương khảo sát các điều kiện thực tế cụ thể để đưa ra mô hình và cơ chế, kế hoạch khả thi để thực hiện trong năm 2014 và những năm tiếp theo.

Bên cạnh đó cũng sẽ có những ưu tiên hỗ trợ của Nhà nước nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các DN xây dựng vùng nguyên liệu hoặc thực hiện hợp tác, đặt hàng, liên kết với hộ nông dân trồng lúa, chứ không phải chỉ có chế tài.

Xin cảm ơn Thứ trưởng!