Tiếp chúng tôi, ông Lộng chậm rãi tìm trong hộp kỷ vật kháng chiến chiếc kèn đồng nhỏ, đúng hơn là chiếc tu huýt, có gắn dây dù. Bao nhiêu năm rồi mà nó vẫn sáng loáng. Ông bảo, chiếc kèn này ông thu được từ tên chỉ huy khi đánh yếu khu Nha Tiên Lễ. Ông quý nó như báu vật, bởi nó gắn liền với những năm tháng sôi động nhất của cuộc đời ông.
Cựu chiến binh Huỳnh Hữu Lộng và chiếc kèn còn lưu giữ. |
Ban đầu, ông Huỳnh Hữu Lộng là lính Sư đoàn 304, Quân khu 5, sau đó trở về miền Nam chiến đấu, là Đại đội trưởng Đại đội 305, rồi 307, 280 và Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 610. Năm 1981, ông về hưu với quân hàm thiếu tá.
Ông kể, thời đó đại đội đông quân lại đóng rải rác, không có phương tiện liên lạc. Khi thấy nhân viên hỏa xa dùng chiếc kèn bằng đồng báo hiệu cho tàu đi qua, ông nảy ra ý dùng kèn điều binh. Để giữ bí mật, tín hiệu thường xuyên thay đổi, bọn địch nghe mà không thể nào phán đoán được. Bọn địch lồng lộn tìm người chỉ huy Huỳnh Hữu Lộng để dập tắt tiếng kèn.
Có lần đánh ấp chiến lược Từ Tâm (Ninh Phước), ông bị địch bắn bể xương chậu, chiếc kèn cũng vỡ toang. Không chịu thua, ông đi tìm chiếc kèn bằng đồng của Mỹ dài khoảng 5 tấc về tập thổi, sau đó lại làm kèn sừng trâu, cắt gọn.
Khi lên Tiểu đoàn phó rồi Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 610, để bảo đảm an toàn, ông dùng chiếc tu huýt. Lúc này ông đã có máy thông tin bộ đàm, chiếc kèn chỉ vang ngắn chủ yếu cho các đơn vị ở gần, nhưng nó là nỗi ám ảnh của địch.
Ông Trần Văn Lãng, Hội Cựu chiến binh phường Kinh Dinh nhớ lại: “Trận thôn Gò Sạn, Bắc Thông, Thuận Bắc năm 1965, địch ở các làng xung quanh đến chi viện rất đông. Tiếng kèn rút quân của anh ấy kịp thời giúp chúng tôi thoát ra ngoài, bảo toàn lực lượng”.
Với sự động viên của lãnh đạo địa phương, ông đang làm các thủ tục để được đề nghị xét anh hùng. Thế nhưng, trong ký ức của đồng đội, ông đã là người anh hùng và tiếng kèn của người chỉ huy Huỳnh Hữu Lộng vẫn vang mãi cùng năm tháng.
Hồng Vân