Giá chào bán gạo Việt Nam đã tăng thêm từ 5 – 15 USD/tấn so với cách đây một tuần, lên mức 435 – 445 USD/tấn gạo 5% tấm và 390 – 400 USD/tấn đối với gạo 25% tấm. So với tháng trước, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam cũng đã tăng thêm 3%. Tính đến nay, các doanh nghiệp Việt Nam đã ký hợp đồng xuất khẩu gạo được khoảng 4,5 triệu tấn, tăng hơn 300.000 tấn so với hồi cuối tháng 4 vừa qua.
Xuất khẩu gạo đang có những dấu hiệu khởi sắc. |
Giá lúa tăng
Bà Nguyễn Thị Lệ Hằng - Giám đốc doanh nghiệp tư nhân Phú Cường (An Giang) cho biết, ngay những ngày đầu tháng 5, thông tin giá gạo xuất khẩu bắt đầu tăng kéo giá thu mua lúa gạo trong nước tăng theo. Các thương lái cung cấp gạo nguyên liệu cho doanh nghiệp (DN) bà Hằng cũng thưa dần do không gom được hàng.
Trong khi đó, tại các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Tiền Giang… giá lúa gạo cũng đã “nóng” lên do vụ đông xuân thu hoạch xong, nguồn cung trong dân giảm mạnh. Cụ thể, giá lúa IR 50404 tươi hiện được mua với giá 4.800 – 4.900 đồng/kg, tăng khoảng 300 đồng/kg so với hồi đầu tháng 5. Giá lúa IR 50404 khô cũng ở mức cao nhất từ đầu năm đến nay, khoảng 5.500 – 5.700 đồng/kg.
Giá lúa hạt dài phục vụ xuất khẩu cũng bắt đầu sốt giá, tăng từ 200 – 300 đồng/kg. Tuy nhiên, dù giá có tăng nhưng hiện tại lượng lúa gạo trong dân không còn khiến việc thu mua của thương lái bắt đầu hạn chế. Theo đó, ông Đoàn Ngọc Phả - Phó Giám đốc Sở NNPTNT An Giang cho biết, lượng lúa đông xuân của tỉnh này hầu hết đã được các thương lái thu mua dứt điểm.
Tại Đồng Tháp, ông Dương Nghĩa Quốc - Giám đốc Sở NNPTNT cũng cho biết, cách đây 3 tuần, tỉnh này còn tồn khoảng 200.000 tấn lúa chưa tiêu thụ hết. Số lúa này chủ yếu của những hộ khá giả, có khả năng về vốn, có kho bãi nên mới dám “neo” lúa lại để chờ giá. Tuy nhiên, hiện tại, số lượng lúa tồn này cũng đã được thương lái thu mua gần hết, số ít còn lại nông dân cũng bắt đầu “xả” hàng để chuẩn bị vào vụ hè thu. “Giá lúa có lên nữa thì nông dân cũng chẳng còn nhiều để bán. Tuy nhiên, lúa hè thu sớm cũng đã bắt đầu cho thu hoạch, phải 1 – 2 tuần nữa có thể sẽ có lúa để giao dịch lại” - ông Quốc cho biết.
DN hạn chế ký hợp đồng mới
Trong khi giá lúa gạo trong nước và giá thế giới đều tăng mạnh thì hoạt động xuất khẩu của nhiều DN ngừng trệ trong những ngày qua. Bà Nguyễn Thị Lệ Hằng cho hay, từ những ngày đầu tháng 5 tới nay, việc ký mới hợp đồng xuất khẩu gạo của Phú Cường hầu như ngừng hẳn. Việc thu mua gạo nguyên liệu từ các thương lái cũng đình trệ do không có thêm đầu ra.
“DN hiện chỉ tập trung giải quyết những đơn hàng đã ký trước đó với giá thấp hơn rất nhiều so với giá hiện tại. Tuy nhiên, lượng gạo giao các hợp đồng này đã được thu mua từ trước nên không ảnh hưởng bởi giá cả trong nước hiện nay” - bà Hằng giải thích.
Trong khi đó, ông Trần Thanh Vân - Phó Giám đốc Công ty cổ phần Gentraco (quận Thốt Nốt, Cần Thơ) cũng cho biết, do ảnh hưởng bởi giá gạo thế giới và tình trạng khan hiếm hàng trong nước, DN ông Vân đã phải tăng giá thu mua lúa gạo từ các thương lái. Ngược lại, DN vẫn chưa ký thêm được hợp đồng xuất khẩu mới nào. Cả việc giao hàng cho những hợp đồng cũ cũng gặp nhiều khó khăn, các hoạt động đều diễn biến chậm hơn nhiều so với hồi tháng 4.
“Hầu hết hợp đồng xuất khẩu gạo của Việt Nam đều ký theo giá FOB, giao hàng tại mạn tàu. Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì mà từ giữa tháng 4 đến nay việc đưa tàu sang nhận hàng của các nước nhập khẩu triển khai rất chậm, gây ảnh hưởng đến tiến độ giao hàng của DN” - ông Vân giải thích.
Cũng theo ông Vân, đến thời điểm này, các DN đã ký hợp đồng xuất khẩu được 4,5 triệu tấn gạo, tuy nhiên, chỉ mới triển khai giao hàng được hơn 2 triệu tấn. Việc hợp đồng đã ký nhưng chưa giao hàng được khiến các DN không dám ký thêm hợp đồng mới. Lý do là phải trữ một lượng gạo lớn để sẵn sàng giao hàng hợp đồng cũ lớn, dẫn tới hết kho chứa.
Trong khi đó, một đại diện Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho biết, từ cuối tháng 4 đến nay, ngoài hợp đồng 300.000 tấn gạo 15% tấm xuất sang Indonesia vừa được đàm phán hợp tác thành công với giá 425 USD/tấn, các DN chưa ký thêm được hợp đồng xuất khẩu nào với giá trị lớn.
Thuận Hải