Dân Việt

Ly kỳ chuyện bóng ma trong đồn lính

27/05/2012 06:18 GMT+7
(Dân Việt) - Đồn Drum hiện là một nhà bảo tàng về cuộc Nội chiến Mỹ, nơi có những hiện tượng bất thường: các nhân viên nói những hồn ma là những "hướng dẫn viên tham quan" của bảo tàng!

Suốt nhiều năm, nhân viên bảo tàng và khách tham quan ở vùng Wilmington, bang California này kể họ nghe thấy những tiếng ồn không thể giải thích được, tiếng xích kéo lê trên sàn, tiếng bước chân trong tòa nhà khi hoàn toàn không có người nào. Các nhân viên nói thường xuyên trông thấy một bóng phụ nữ mà họ gọi là Maria.

img
Hồn ma Maria

Người này mặc váy cột ở phần đùi, tỏa mùi hoa tím nồng nặc và mùi cây oải hương. Những người khác nói họ trông thấy bóng một người đàn ông mặc quân phục sĩ quan thời những năm 1890, miệng ngậm tẩu và mùi khói thuốc thường tỏa khắp bảo tàng. Nơi có hiện tượng bất thường nhiều nhất là phòng Mô hình: nhiều người ngửi thấy mùi nước hoa và mùi thuốc lá, nghe thấy các vật dụng chuyển động và tiếng bước chân lại gần họ từ đằng sau, nhưng khi họ ngoái nhìn lại thì chẳng có ai!

Đồn bị ám

Năm 1862, Đồn Drum được xây gần cảng Los Angeles. Đây là nơi luyện quân, nên có thể đó là bóng ma của những người lính hoặc vợ con của họ. Bà Marge O'Brien là giám đốc bảo tàng, kể: "Ban tối, các phòng đều được khóa cửa theo đúng quy định. Tôi kiểm tra tất cả các phòng, cửa đã khóa, đèn đã tắt. Vậy mà khi đến bảo tàng lúc 8 giờ sáng, đèn ở hành lang có khi bật có khi chớp".

img
Bảo tàng Đồn Drum

Bà khẳng định mỗi khi có cảm giác phải đi kiểm tra thì cứ 10 lần thì 9 lần hành lang sáng đèn. Ở phòng trưng bày súng, đèn cũng luôn bật, và các cửa sổ dù đã đóng chặt vẫn có ai đó mở ra, như bất chấp quy định sau khi tiễn khách tham quan thì phải đóng tất cả các cửa phòng và tắt đèn.

Marge được thuê phục hồi tòa nhà khi nó được công nhận là di sản lịch sử quốc gia. Bà đã cùng các nhóm thợ và những người tình nguyện mất nhiều tháng phục hồi. Bà còn nói khi vào nhà, người ta có cảm giác đây là một chốn tang thương u ám, một tòa nhà cứ như van vỉ sự cầu xin được giải thoát.

Yasmin Malyeri là một nhân viên tình nguyện cũng tin ngôi nhà bị ma ám: "Tôi luôn kéo rèm xuống, tắt đèn, khóa cửa rồi mới ra về. Nhưng khi tôi vừa xuống lầu. Ngước nhìn lên, tôi lại thấy rèm che được kéo lên từ từ như có ai đó đang kéo nó".

Fred Duran là một khách tham quan thường trực của Đồn Drum, cũng tin rằng ngôi nhà có ma: "Với tôi, ma chỉ có trong phim. Nhưng cuối cùng tôi đã phải tin có ma thật trong nhà bảo tàng này. Sáng nọ, tôi đi vào gian bếp, nghe tiếng chân người tiến lại từ đằng sau và tôi nghĩ đó là nhân viên bảo tàng".

Ma đại tá

img
Ánh đèn sáng, màn cửa được kéo

Fred kể lúc đó giọng nói của người đàn ông vang lên sau lưng ông: "Tôi cần chút nước", nhưng Fred không chú ý. Và giọng người đàn ông lại nói: "Ông có thấy Maria không?". Fred kể ông quay lưng lại và trông thấy người đàn ông mặc quân phục thời nội chiến.

Ông vội chạy ra ngoài kể lại với nhóm thợ rằng có một người đàn ông sống trong tòa nhà này. Họ đáp: "Ông trông thấy bóng ma của đại tá rồi". Marge tin câu chuyện của Fred: "Nếu ông ấy nói đã nhìn thấy ma thì đúng là như thế. Fred là người trung thực. Phản ứng của tôi là thắc mắc tại sao đại úy xuất hiện vào lúc này và tại sao lại gặp Fred".

Marge nhờ "bà đồng" Barbara Conner đến "săn ma bảo tàng". Theo "bà đồng" này, Đồn Drum đầy những hồn ma chưa được siêu thoát, và bà ta đã "giao lưu" với họ trong phòng khách dành cho các sĩ quan: 2 "ông" chơi bài, người khác đứng cạnh cửa sổ nhìn ra ngoài. Nhưng theo Barbara, một hồn ma tỏ ra rất hung dữ: "Ông ta nhìn tôi và nói: "Ta muốn chiếc ghế này gần lò sưởi vì ta lạnh". Ông ta cũng phàn nàn chiếc giày bốt của ông ta quá chật".

Theo nghiên cứu của Marge thì "ông" này là đại tá James Freeman Curtis, người chỉ huy lâu nhất của Đồn Drum. Khi đánh phe da đỏ ở bang Washington, ông bị lạnh cóng đến độ phải cưa bàn chân trái đến gần mắt cá. Thương tích này khiến Curtis đau nhức cả đời, nên ông phải mang chiếc giày bốt có cỡ nhỏ hơn để có thể điều khiển cái chân cụt khi lê bước". Marge khẳng định "bà đồng" không thể biết chuyện này khi bước vào phòng khách.

"Bà đồng" cũng tiếp tục thấy ma ở trên lầu, điều xem ra giải thích được tại sao có những tiếng ồn dị thường: "Tôi kể cho Marge biết có một thằng bé sống trên đó và nó thường ném quả bóng vào tường. Nếu muốn nó ngưng thì cứ nói, nó sẽ ngưng". Cuối buổi, Barbara kể đã trông thấy bóng ma đại tá Curtis và các sĩ quan đang "họp giao ban": ông đứng cạnh bàn, khi chúng tôi vào thì ông ấy đi qua đi lại rồi tìm thứ gì đó trong hộp. Và ông ta quay nhìn tôi, nói ông ta muốn một phần thưởng nào đấy phải được treo trên tường".

Marge không có thông tin nào về việc đại tá Curtis có phần thưởng treo trên tường: "Nhưng sau này tôi phát hiện khi rời Washington, đại tá Curtis được trao một phần thưởng vì thành tích chống phe da đỏ".

Liệu có chăng những hồn ma thời nội chiến đang "ám" bảo tàng Đồn Drum? Chẳng ai có thể khẳng định đây là chuyện có thật. Nhưng trong lịch sử, Đồn Drum giữ vai trò quan trọng trong cuộc nội chiến của Mỹ. Nó được lập đầu năm 1862, ban đầu có tên là Trại San Pedro. Qua tháng 12.1863 thì đổi thành Đồn Drum, theo tên trung tá Richard Drum.

Đồn tốn hơn 1 triệu USD để xây dựng, có thể chứa 500 quân và 300 lính. Thời nội chiến đã có 17.000 người California được huấn luyện quân sự tại đồn này. Đồn chỉ bị giải tán hồi tháng 11.1871, nhưng nhà thương vẫn được sử dụng để trị chữa cho các thương binh trong hai năm. Năm 1987, Bảo tàng Nội chiến đồn Drum được thành lập, là di sản lịch sử lớn duy nhất về cuộc nội chiến ở miền nam California.

Theo Thế giới & Hội nhập