Dân Việt

Sen nhập ngoại át sen Hưng Yên

11/06/2012 06:26 GMT+7
(Dân Việt) - Hạt sen Hưng Yên dần mất thương hiệu do diện tích ao, hồ bị thu hẹp, môi trường ô nhiễm, nên năng suất sen giảm, nhất là gần đây xuất hiện nhiều dòng "sen lạ" từ Trung Quốc, Malaysia, Thái Lan...

Hưng Yên không chỉ nổi tiếng với thương hiệu nhãn lồng, mà còn được nhiều người biết đến với sản phẩm hạt sen khô. Tuy nhiên, những năm gần đây hạt sen khô Hưng Yên đang mất dần thương hiệu do bị sen nhập ngoại lấn át.

Mất dần vị thế

Hạt sen ở Hưng Yên đã từng được nhiều người biết đến, bởi cái chất thơm ngon, bùi, ngậy. Cách đây khoảng chục năm, ở Hưng Yên, đặc biệt là các huyện Phù Cừ, Ân Thi… đi đến đâu cũng thấy sen. Sen mọc trong hồ, ao, kênh rạch, hễ chỗ nào có nước là có sen và đã có nhiều hộ phất lên nhờ hạt sen.

img
Hạt sen Hưng Yên đang dần mất thương hiệu do kém về sản lượng và bị cạnh tranh của sen nhập khẩu.

Ngoài công dụng làm thuốc chữa bệnh, hạt sen khô còn được người tiêu dùng chọn để chế biến các món ăn như xôi, hầm thuốc bắc… Nhờ đặc điểm thổ nhưỡng thiên nhiên ban tặng, hạt sen Hưng Yên được đánh giá là có vị thơm ngon đặc trưng hơn khi trồng ở các vùng đất khác. Vì vậy, hạt sen Hưng Yên bao giờ cũng có giá cao hơn hạt sen ở các vùng khác.

Hạt sen Hưng Yên ngon là vậy, nhưng hiện nay để mua được hạt sen chính gốc Hưng Yên rất khó. Hạt sen đen đang được các chủ chế biến mua vào với mức giá 50.000 đồng/kg, trong khi đó sen nhập từ miền Nam về giá chỉ 30.000 đồng/kg. Sen Hưng Yên thành phẩm sau khi chế biến có giá từ 150.000 - 170.000 đồng/kg, trong khi sen miền Nam chỉ bán với giá 130.000 - 140.000 đồng/kg. Tuy nhiên, trên thị trường sen Hưng Yên không có nhiều, mà chủ yếu là sen từ miền Nam và sen nhập từ Trung Quốc, Malaysia...

Theo số liệu của Sở NNPTNT Hưng Yên, hiện tỉnh có khoảng 100 cơ sở chế biến hạt sen khô và đang tạo việc làm cho hơn 2.000 lao động, với thu nhập 2 - 2,5 triệu đồng/người/tháng. Anh Hà Văn Tuấn, ở phường Phương Chiểu (TP. Hưng Yên), chủ cơ sở chế biến hạt sen Tuấn Loan cho biết:

"Hạt sen rộ nhất là trước và sau dịp sau Tết, trung bình cơ sở của tôi chế biến khoảng 10 - 15 tấn hạt sen. Giá sen hiện nay có cao hơn trước, nhưng tính ra vẫn thấp hơn do nhiều mặt hàng cũng lên giá, nhưng điều đáng lo nhất là hạt sen chính hiệu Hưng Yên không còn nhiều".

Thiếu nguyên liệu chế biến

Chủ nhiều cơ sở chế biến hạt sen khô đều cho rằng, nguyên nhân hạt sen mất thương hiệu là do không đảm bảo được sản lượng và bị cạnh tranh gay gắt từ sen nhập ngoại. Anh Tuấn cho biết:

"Sen Hưng Yên chỉ chiếm khoảng 1/3 số lượng sen cơ sở thu mua. Tuy nhiên, việc thu mua sen ở Hưng Yên diễn ra nhỏ lẻ, rất tốn thời gian, công sức, nên đôi khi cơ sở vẫn phải nhập sen từ miền Nam và sen nhập khẩu để đảm bảo phục vụ chế biến trong 1 năm. Với sản lượng sen của Hưng Yên hiện nay, không thể đáp ứng đủ như cầu của thị trường".

Ông Nguyễn Văn Thinh - Chủ nhiệm HTX Phương Chiểu cho hay: "Hạt sen của Hưng Yên dang dần mất thương hiệu có nhiều nguyên nhân như, diện tích ao, hồ, kênh rạch ngày càng bị thu hẹp, môi trường ô nhiễm, nên năng suất sen giảm, nhất là việc gần đây xuất hiện nhiều dòng "sen lạ" từ Trung Quốc, Malaysia, Thái Lan...".

Sản lượng sen ở Hưng Yên ngày càng giảm là do người trồng sen thu bán hoa sen, bắp sen non dẫn đến sản lượng hạt sen khô giảm. Mặt khác, giá cả hạt sen khô bấp bênh, không ổn định nên một số người dân bỏ trồng sen...

Anh Nguyễn Văn Hoan, thôn An Lạc, xã Đức Thắng (Tiên Lữ), đã trồng sen hơn 10 năm nay, là hộ trồng nhiều sen nhất xã. 

"Trước đây, tôi trồng khoảng 1ha, nhưng nay chỉ còn 1/10 số đó trên các kênh rạch. Diện tích manh mún nên việc chăm sóc, thu hái rất khó khăn, giá cả bấp bênh nên tôi đang định chuyển sang nuôi cá".

Theo anh Hoan, do trồng nhỏ lẻ, nên người trồng sen thường bị các thương lái ép giá, nên thu nhập từ sen rất bấp bênh. Trước khi vào mùa, hạt sen Hưng Yên thường có giá từ 80.000 - 85.000 đồng/kg, nhưng cuối mùa chỉ còn 30.000 - 40.0000 đồng/kg.