Dân Việt

Người thầy thuốc đi vào huyền thoại của nhân dân

11/05/2012 10:37 GMT+7
(Dân Việt) - GS - VS Tôn Thất Tùng là người thầy thuốc đã đi vào huyền thoại của nhân dân, một nhân cách lớn cả trong khoa học lẫn đời sống thường nhật.

Sinh trưởng trong một gia tộc “trâm anh thế phiệt”, nhưng GS Tôn Thất Tùng đã dành toàn bộ cuộc đời mình, sự nghiệp của mình cho nhân dân. Ngay từ thời còn là bác sĩ nội trú tại Bệnh viện Phủ Doãn (nay là Bệnh viện Việt Đức, Hà Nội), ông đã hướng những nghiên cứu của mình vào các căn bệnh nhiệt đới của những người nghèo khổ.

img
GS- VS Tôn Thất Tùng (đeo kính) giới thiệu về Bệnh viện Việt Đức với Bác Hồ trong một lần Người đến thăm bệnh viện .

Ông là người đầu tiên phát hiện ra di hại của giun sán liên quan đến các bệnh về đường mật và sỏi trong gan. Và đó cũng là tiền đề để sau đó ông sáng tạo nên phương pháp cắt gan có quy hoạch, được cả thế giới công nhận.

Ngày 10.5, tại Huế, Bệnh viện T.Ư Huế và Hội Khoa học Lịch sử Thừa Thiên - Huế đã tổ chức cuộc hội thảo về sự nghiệp GS - VS Tôn Thất Tùng.

Năm 1946, khi toàn quốc kháng chiến, ông đã rời bỏ “tháp ngà” của mình, mang vợ con lên chiến khu Việt Bắc trực tiếp tham gia cuộc kháng chiến trường kỳ, với vai trò bác sĩ phẫu thuật chính. Ông có mặt ở Điện Biên Phủ ngay từ những ngày đầu tiên của chiến dịch.

Hòa bình lập lại, ông trở về Bệnh viện Phủ Doãn xây dựng lại từ đầu. Và tại đó, ông đã đào tạo nên một đội ngũ bác sĩ phẫu thuật giỏi cho đất nước. Cũng tại đó, những công trình nghiên cứu của ông lần lượt được công bố ra thế giới. Năm 1958, ông thành công trong ca mổ tim đầu tiên của VN. Năm 1965, ông tiến hành những ca mổ tim với máy tim phổi nhân tạo.

Phương pháp cắt gan mang tên Tôn Thất Tùng được Viện Hàn lâm y học Pháp công nhận là phương pháp tối ưu nhất trong phẫu thuật cắt bỏ từng phần thùy gan vào đầu những năm 70 của thế kỷ trước. Cùng với sự công nhận này, Viện Hàn lâm y học Pháp đã trao tặng ông Huân chương LANNELONE- huân chương dành cho những nhà phẫu thuật giỏi nhất thế giới.

Những năm cuối của thập kỷ 70, ông là người đầu tiên phát hiện ra tác hại khôn lường của chất da cam 2, 4, 5 T mà Mỹ rải ở miền Nam VN. Ông thành lập và điều hành Ủy ban quốc gia điều tra chất độc da cam/dioxin. Cuộc đấu tranh giành công lý cho những nạn nhân chất da cam do ông khởi xướng đến ngày hôm nay vẫn chưa kết thúc.

GS Tùng là thế, ông đứng về phía những người thiệt thòi, ông chữa chạy cho một người nông dân cũng giống như cho một ông bộ trưởng.

Là một nhà khoa học lớn, ông lại có một tâm hồn thật nghệ sĩ. Ông yêu thơ, yêu hội họa. Đôi lúc thảnh thơi, GS Tôn Thất Tùng dịch thơ của các nhà thơ Pháp, hoặc đến thăm các nghệ sĩ bạn ông như: Trịnh Hữu Ngọc, Bùi Xuân Phái... Khi nhà triết học Trần Đức Thảo dường như bị quên lãng, ông mời đến bệnh viện để trực tiếp chữa bệnh và chuyện trò. GS Tùng là thế, ông đứng về phía những người thiệt thòi, ông chữa chạy cho một người nông dân cũng giống như cho một ông bộ trưởng. Và như thế, những người dân bình dị luôn dành cho ông tình cảm và lòng tin cậy lớn lao, lòng tin vào lẽ phải.

Điều ông quan tâm nhiều nhất là thế hệ trẻ. Là một người thầy thật nghiêm khắc, đồng thời ông là người cha nhân từ đối với sinh viên. Thời bao cấp nghèo khó, ông đã từng đến thẳng phòng làm việc của Bộ trưởng Bộ Nội thương để đòi cho được tiêu chuẩn bồi dưỡng cho sinh viên nội trú. Ông không chỉ dạy mổ xẻ, ông dạy cả quan niệm sống, dạy lòng trắc ẩn, dạy cái đẹp của nghệ thuật, của cuộc sống cho sinh viên. Ông trao cho họ một nhận thức trọn vẹn về nhân cách.

Kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông cũng là dịp để mọi người soi rọi lại mình, gìn giữ những giá trị nhân văn cho xã hội.