Dân Việt

Ông Sarkozy có thể “hạ cánh” không an toàn

12/05/2012 06:16 GMT+7
(Dân Việt) - Chỉ còn vài ngày nữa, đương kim Tổng thống Pháp Sarkozy sẽ rời Điện Elysees sau khi kết thúc nhiệm kỳ và thất cử trước ứng viên Đảng Xã hội. Chuyến “hạ cánh” của ông được dự báo là không êm ả...

Theo Hiến pháp của Pháp, một tổng thống sẽ không bị yêu cầu khai nhận hoặc bị điều tra hay truy tố trong ít nhất 1 tháng sau khi rời khỏi chức vụ. Đó là một đặc ân đối với ông Sarkozy và sẽ kết thúc vào giữa tháng 6 tới. Trước đó, trong suốt 5 năm làm Tổng thống, ông Sarkozy đã được hưởng quy chế miễn trừ pháp lý.

img
Ông Sarkozy đã được hưởng miễn trừ pháp lý trong 5 năm qua.

Đến nay, vấn đề liên quan mà ông Sarkozy có thể được các nhà điều tra tư pháp triệu tập thẩm vấn bao gồm một vụ bán tàu ngầm vào những năm 1990 cho Pakistan và mối quan hệ giữa ông Sarkozy và đảng của ông với người phụ nữ giàu nhất nước Pháp.

Matthieu Bonduelle - người đứng đầu của Tòa sơ thẩm Pháp, cho biết tất cả sẽ được thể hiện bằng giấy trắng mực đen và thủ tục tố tụng sẽ được bắt đầu sau khi ông Sarkozy rời nhiệm sở 1 tháng. Ông Sarkozy đã từ chối tham gia bất kỳ hoạt động nào có liên quan đến việc phải điều tra tư pháp và lôi kéo một số người bạn giàu có của mình. Các cáo buộc về những vụ bê bối đã chìm xuống trong chiến dịch tranh cử tổng thống Pháp năm 2012 của ông Sarkozy mà ông đã thất bại trước ông Francois Hollande trong cuộc bỏ phiếu cuối cùng vào cuối tuần qua.

Vụ bê bối đầu tiên liên quan đến nữ tỷ phú Liliane Bettencourt, người đã thừa kế Tập đoàn mỹ phẩm lớn nhất thế giới L'Oreal. Các nhà điều tra đang tiến hành xác định về việc sử dụng các khoản tiền được rút từ tài khoản trong ngân hàng Thụy Sĩ để tài trợ bất hợp pháp cho chiến dịch vận động tranh cử tổng thống của ông Sarkozy trong năm 2007.

Patrice de Maistre - quản gia của bà Bettencourt, đã bị bắt giam và sẽ bị thẩm vấn về việc rút một khoản tiền mặt tại Ngân hàng Thụy Sĩ lên đến 800.000 euro trong những tháng trước khi ông Sarkozy giành chiến thắng. De Maistre cũng có thể sẽ bị truy vấn về mối quan hệ với thủ quỹ của Đảng Liên minh vì Phong trào Nhân dân (UMP) của ông Sarkozy tại thời điểm đó. Cựu Bộ trưởng Lao động Pháp Eric Woerth, cũng như de Maistre, sẽ chính thức bị điều tra.

Tuy nhiên, trước đó nhiều lần, cả ông Woerth và ông Sarkozy đều bác bỏ các cáo buộc nói trên, gọi đó là sự "vu khống". Đây là "một sự vu khống chỉ với một mục đích, đó là bôi nhọ mà không có cơ sở thực tế nào" - Tổng thống Sarkozy từng khẳng định.

Vụ bê bối thứ hai được gọi là "vụ Karachi". Các thẩm phán đang cố gắng làm sáng tỏ một loạt giao dịch mơ hồ qua trung gian và được trả hoa hồng, có thể liên quan đến việc bán tàu ngầm lớp Agosta của Chính phủ Pháp cho Pakistan trong những năm 1990. Vào thời điểm đó, ông Sarkozy là Bộ trưởng Bộ Ngân sách và là Phát ngôn viên của ứng cử viên Tổng thống Edouard Balladur, đã giận dữ bác bỏ mọi đồn đại rằng ông hiểu rõ các khoản thanh toán, ý ngầm chỉ trích sự ăn chia hoa hồng của ông Sarkozy trong các vụ giao dịch này.

Chưa hết, tờ "Mediapart", mới đây cáo buộc Chính phủ Libya dưới thời cựu lãnh đạo Gadhafi từng ký kết một văn bản thỏa thuận hỗ trợ 50 triệu euro cho chiến dịch tranh cử tổng thống của ông Sarkozy năm 2007. Mặc dù ông Sarkozy ngay lập tức đã kiện "Mediapart", cho rằng đó là các tài liệu giả mạo "rõ ràng", nhưng với phe đối lập, các nghi vấn này đã nhanh chóng được liệt kê vào danh sách dài tố tội ông Sarkozy. Và nay, với những người không ưa Sarkozy, họ đang chờ đợi xem, đến tháng 6 tới chuyến “hạ cánh” của ông Sarkozy liệu có an toàn?