Đem con bỏ chợ
Tính đến nay, gần 200 hộ với hơn 500 nhân khẩu đã rời các khu tái định cư Thủy điện Bản Vẽ (huyện Thanh Chương, và Tương Dương, Nghệ An) để về vùng lòng hồ Nhà máy Thủy điện Bản Vẽ sinh sống.
Những "ngôi làng nổi" bấp bênh trên lòng hồ. |
Ông Lê Thanh Nghệ - Trưởng bản Nhạn Pá, xã Ngọc Lâm (huyện Thanh Chương) thở dài cho biết : "Khu tái định cư (TĐC) không đủ đất để sản xuất. Mỗi người chỉ được 2.500m2 đất cằn, không thu hoạch được cây gì nên dân thiếu đói phải về quê cũ tìm kế sinh nhai.
Các bản đều có bể nước nhưng hầu hết không sử dụng được. Hàng trăm con người trong bản chỉ có mấy cái nhà vệ sinh quây bằng nylon tạm bợ. Sau một trận mưa, tất cả rác rưởi và phân người, phân gia súc đều trôi xuống giếng. Cũng vì thiếu đói nên hàng chục học sinh ở bản Pá, Kim Hồng cũng bỏ học để theo bố mẹ mưu sinh".
Ông Lô Hoài Dung - Chủ tịch UBND xã Ngọc Lâm, xác nhận: "Thiếu đất sản xuất nên nhiều hộ thiếu ăn đến 10/12 tháng. Đói lương thực, khiến người dân đã làm nhiều việc vi phạm pháp luật. Thời gian gần đây, số người vi phạm pháp luật vùng biên ngày càng tăng. Số lượng súng săn tự tạo ngày càng nhiều, số người chặt gỗ trong rừng tăng mạnh.
Đặc biệt tình trạng người nghiện ma tuý tăng chóng mặt. Khi bị bắt, nhiều người cho rằng không có việc làm nên phải làm như vậy. Chúng tôi nhiều lần kiến nghị lên các cấp có thẩm quyền về những vấn đề trên nhưng vẫn chưa được giải quyết”.
Đói, nghèo, thất học bủa vây
Ở bản Kim Hồng, xã Kim Tiến trước đây, những ngôi “làng nổi” cứ mở ra trước mắt, trên mặt nước mênh mông. Những túp lều được làm rất đơn sơ, dựng trên những bè nứa nổi lềnh bềnh trên lòng hồ, cuộc sống mong manh, tạm bợ.
Anh Vi Văn Dung đem theo cả gia đình 4 đứa con sống chui rúc trên chiếc bè nứa bé tin hin để đánh cá trên sông cho biết:
"Sống ở khu TĐC thiếu đất sản xuất, suốt ngày ngồi nhìn trời không biết làm gì. Biết là về đây cũng rất khó khăn, nhưng cũng phải về để kiếm sống chứ ở dưới đó thì chết đói”. Hỏi việc học của các con, anh Dung lắc đầu: "Đói thì học mần răng được, phải kiếm ăn cái đã. Chuyện học tính sau".
Ông Vi Tân Hợi - Phó Chủ tịch UBND huyện Tương Dương cho biết: “Trong thời gian qua, huyện nỗ lực tuyên truyền thuyết phục bà con đến nơi ở mới, không sống trong lòng hồ nữa nhưng vì các khu TĐC chưa đáp ứng được nguyện vọng của dân nên bà con vẫn quay lại.
Về lý, như vậy là vi phạm công tác quản lý hành chính; nhưng xét về tình, việc họ rời bỏ quê hương đến vùng xa xôi trong điều kiện rất khó khăn, đất không đủ để canh tác, nhu cầu sinh hoạt không đảm bảo, chính quyền lại không thể phạt”.
Tiến Dũng