Dân Việt

Hiên ngang Trường Sa: Lính đảo không quân hàm

14/05/2012 13:29 GMT+7
(Dân Việt) - Ở hầu hết những đảo lớn của quần đảo Trường Sa đều có những ngọn hải đăng cao vút và kiên cố. Nơi đó, có những con người đã bám đảo gần trọn cuộc đời, hết cả tuổi thanh xuân...

“Rể hụt” của thủy tề

Không như lính đảo, công nhân viên nhà đèn không được bao cấp bữa ăn, họ phải tự bỏ tiền túi nhờ mua nhu yếu phẩm tiếp tế từ đất liền. Để cải thiện bữa ăn, lính nhà đèn thường xuyên đánh bắt cá. Mùa lặng, họ tranh thủ đánh thật nhiều cá, phơi khô làm thức ăn dự trữ cho mùa biển động.

img
Anh Vũ Duy Tiến đã 18 năm phục vụ tại hầu khắp các nhà đèn ở quần đảo Trường Sa.

Anh Vũ Duy Tiến (43 tuổi), nhân viên nhà đèn Trường Sa Lớn là một trong những kình ngư sát cá nhất hệ thống các nhà đèn ở Trường Sa. Vui chuyện, anh Tiến kể, cuối năm ngoái, đang say sưa lặn bắt cá ở vùng mép xanh (khu vực nước sâu, ngoài bãi cạn san hô), anh bỗng nghe có tiếng gọi lớn, trồi lên mặt nước đã thấy một xuồng CQ của hải quân trờ tới.

“Này, anh bị trôi à, chúng tôi nghe tàu trực báo có người bị trôi”. Anh Tiến ngơ ngác “Không, chỉ mải theo cá thôi”. Lính xuồng cười vang, chỉ tay lên bờ, “Anh nhìn kìa, báo động toàn đảo đấy!” Phía bờ, lính đảo tràn hết ra bờ kè, hồi hộp hướng mắt về phía xuồng. “Lúc vào đảo, mọi người ùa tới thăm hỏi, mình vừa ngượng vừa cảm động” – anh Tiến kể. Từ đó, lính đảo gọi anh là rể hụt của thủy tề.

Nói về khả năng bơi lội, anh em nhà đèn phải “ngả mũ” trước anh Nguyễn Văn Thu – Trạm trưởng Trạm Hải đăng An Bang, người có thâm niên bám đảo suốt 19 năm. Tháng 7.2006, ba anh em nhà đèn lên xuồng đi đánh cá. Đến 10 giờ sáng, định quay về thì máy xuồng bị hỏng, trôi trên biển. Loay hoay gần 2 tiếng không sửa được, các anh quyết định bỏ xuồng bơi gần 5km để vào đảo.

“Tôi bơi đầu tiên và dặn anh em giữ cự ly 50m. Nếu thấy tôi trôi thì không được tới cứu mà phải chuyển hướng ngay” – anh Thu kể. “May thay, vua thủy tề chê lính nhà đèn xấu trai nên sau 9 tiếng bơi liên tục, chúng tôi đã vào bờ an toàn.”

Hy sinh thầm lặng

Trưa 30.4, đảo Trường Sa Lớn mổ heo mở tiệc mừng Tết Thống Nhất và đón khách từ đất liền ra thăm. Trạm Hải đăng Trường Sa Lớn cũng được chia phần. Nghĩa, trẻ nhất nhà đèn nhón một miếng heo luộc, nhai một chặp rồi chặc lưỡi: “Hừm, con heo này bọc thép!”. Cả bàn được một trận cười, không đâu có được loại heo bọc thép (để lâu mới làm thịt nên heo già) như Trường Sa.

Vừa biên chế ra hải đăng Trường Sa Lớn được vài tháng, nhắc đến đất liền, Nghĩa đã nói át: “Chậc, không ai nhắc đến quê nhà thì chiều nào em cũng khóc rồi mà…”. Dày dạn như Trạm trưởng Ngô Văn Thanh thâm niên bám đảo 12 năm, anh Vũ Duy Tiến bám đảo suốt 18 năm cũng rưng rưng...

Từ khi thôi đi tàu biển, anh Tiến đã trực nhà đèn ở hầu hết các đảo: Đá Tây 3 tăng, An Bang 2 tăng, Trường Sa Lớn 2 tăng, Song Tử Tây, Đá Lát mỗi đảo 1 tăng. Sau mỗi tăng 12 tháng, được nghỉ bờ vài tháng rồi lại khăn gói ra đảo trực đèn, liên tục như vậy trong suốt 18 năm qua. “Vợ nhăn hoài rồi cũng đành quen. Khi nào về đến nhà nghỉ trực thì lại làm bù giúp vợ thôi. Chỉ ganh tỵ với lính đảo là nhân viên nhà đèn chưa được đón vợ ra thăm”.

Ngoài nhiệm vụ bảo đảm hàng hải, những ngọn hải đăng còn có ý nghĩa đánh dấu hải giới, xác định vùng lãnh hải và các vùng đặc quyền kinh tế theo Công ước quốc tế về Luật Biển.

Hiện nay trên vùng biển quần đảo Trường Sa có tổng cộng 7 nhà đèn được quản lý bởi Công ty Bảo đảm an toàn hàng hải Biển Đông và Hải đảo, trực thuộc Tổng Công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Nam (Bộ GTVT). Công ty có 50 công nhân, mỗi trạm đèn biên chế 5 công nhân, 15 công nhân còn lại thay nhau tiếp tế nhu yếu phẩm cho nhà đèn, trung bình 2 tháng một lần.

Một số nhà đèn ở những đảo chìm nằm biệt lập, nổi lên trên mặt nước biển mênh mông, 5 anh em nhà đèn chỉ quanh quẩn trong diện tích 15 - 20m2 hàng chục năm liền. Nhiều người bám đảo quá lâu, khi về mắc “hội chứng nhà đèn” lẩn thẩn, hay quên, cứ kể mãi một câu chuyện nhiều lần trong ngày, ít lâu sau mới hết.

Lính không quân hàm

Từ đầu năm 2011, đội tự vệ biển của Công ty Bảo đảm an toàn hàng hải Biển Đông và Hải đảo được thành lập với lực lượng nòng cốt là các công nhân đèn biển. Từ đó, nhân viên nhà đèn được huấn luyện, trang bị vũ khí, phối hợp với bộ đội chủ lực trên đảo sẵn sàng chiến đấu bảo vệ đảo trong trường hợp có chiến sự xảy ra, góp phần giữ vững an ninh quốc phòng, chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Thâm niên 18 năm bám đảo như anh Vũ Duy Tiến, lương mỗi tháng ở đảo chỉ khoảng 12 triệu đồng, chia trung bình cho cả thời gian nghỉ bờ chỉ hưởng lương cơ bản, thu nhập bình quân của anh chỉ hơn 9 triệu đồng/tháng. Mức lương này chỉ mới được nâng lên từ tháng 9.2011, trước đó, anh chỉ được nhận trung bình trên 5 triệu đồng/tháng, đó là chưa trừ những khoản tiền ăn, nhu yếu phẩm hàng ngày đều phải bỏ tiền túi ra mua…

Bài cuối: Còn người còn đảo