Bằng những văn bản được ký và chỉ thị phát ngôn, ông Putin đã xác định đường hướng ưu tiên trong chính sách chính trị đối nội và xã hội, kinh tế và đường lối đối ngoại. Phần lớn các sắc lệnh của Tổng thống Putin đã được ký ngay sau lễ nhậm chức ngày 7.5. Một phần trong đó nhằm mục tiêu khuyến khích giáo dục, khoa học và những tài liệu thúc đẩy phát triển kinh tế Nga, thu hút đầu tư.
Trong số những người biểu tình này có nhiều nhà văn nổi tiếng của Nga. |
Các phương hướng chính của chính sách đối ngoại Nga cũng được phản ánh trong một sắc lệnh của Tổng thống. Điểm mấu chốt của tài liệu này là phát triển sự hợp tác đa phương và các quá trình hội nhập trong không gian của cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG). Điều này áp dụng đặc biệt đối với Liên minh Thuế quan và Liên minh Á-Âu. Ngoài ra, Mátxcơva sẽ tích cực tham gia thúc đẩy sự phát triển của các nước Cộng hòa Abkhazia và Nam Ossetia.
Trong quan hệ với Liên minh châu Âu (EU), một chương trình mới đặt mục tiêu chiến lược là tạo ra không gian kinh tế và nhân đạo thống nhất từ Đại Tây Dương đến Thái Bình Dương. Còn trong quan hệ với Washington, Mátxcơva dự định tuân thủ đường lối tương tác ổn định và có dự đoán. Đài Tiếng nói nước Nga đăng bình luận của giới chuyên gia cho rằng, với những gì thể hiện ban đầu, ông Putin sẽ không đi chệch khỏi những gì đã được ông trình bày trong nghị luận tranh cử của mình.
Nhà nghiên cứu chính trị Pavel Danilin cho rằng, đường lối đối ngoại mới của Nga sẽ rất độc lập và thực tế. Ngoài ra, trong tuần đầu nhậm chức, ông cũng đề cử người tiền nhiệm Medvedev làm Thủ tướng Nga. Tổng kết tuần làm việc đầu tiên trong nhiệm kỳ Tổng thống của V.Putin, các chuyên gia ghi nhận rằng, mạch chính những động thái làm việc của người đứng đầu nhà nước mới được bầu lại là nước Nga sẽ bảo vệ lợi ích của mình "trên tất cả các mặt trận".
Tuy vậy, không phải người Nga nào cũng hài lòng với những gì ông Putin thể hiện. Ngày 13.5, hàng ngàn người đổ xuống đường, cắm trại và mang tinh thần “Chiếm” từ phong trào “Chiếm Phố Wall” đến Mátxcơva. Đám đông chừng 7.000 người kêu gọi cuộc tuần hành được gọi là “cuộc đi bộ” này gồm có nhiều nhà văn nổi danh người Nga, kể cả tiểu thuyết gia Boris Akunin.
Trong khi đó, hàng trăm người biểu tình khác cắm lều trong khu vực Chistye Prudy của trung tâm thủ đô Mátxcơva, trong một hành động mà ban tổ chức gọi là "Chiếm đóng Abai" phỏng theo tên thi sĩ kiêm triết gia Abai Kunanbayaev của thế kỷ thứ 19, mà bức tượng đồng của ông ở ngay giữa nơi cắm lều. Cảnh sát Mátxcơva đã bắt giữ hàng trăm người vì có những hành vi quá khích và trái với luật pháp Nga.
Hạ Anh